Phát hiện da người chết giúp chữa lành vết thương nhanh hơn
Các nhà nghiên cứu tại trường ĐH. Manchester (Anh) mới đây vừa công bố một phát hiện khá hữu ích cho giới y học khi tìm ra cơ sở cho việc đưa da người chết vào phục vụ công tác chữa trị vết thương ngoài da cho các bệnh nhân.
Theo các nhà nghiên cứu, da lấy từ người chết có thể sẽ sớm được áp dụng vào trong công tác chữa trị vết thương ngoài cho các bệnh nhân trong tương lai. Kết luận này có được từ một nghiên cứu khá chuyên sâu với hơn 50 người tình nguyện viên khỏe mạnh hỗ trợ.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng, lớp da lấy từ tử thi có hiệu quả khá tốt trong việc chữa lành các vết thương cấp tính chẳng hạn như bỏng hay loét. Ứng dụng này được các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có thể mở ra một hướng đi mới cho nền y học, bên cạnh đó là góp phần vào việc giảm chi phí y tế cho các quốc gia. Chỉ tính riêng tại Mỹ, chi phí cho điều trị các vết thương ngoài da hàng năm thường rất lớn, lên tới 25 tỷ USD/năm.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu và phát triển nhiều hình thức thay thế da người có hiệu quả để giúp chữa trị vết thương ngoài da. Những dạng da thay thế này hầu như đều được tạo ra sao cho giống tối đa với ma trận ngoại bào protein (màng bên ngoài tế bào do protein và các hợp chất liên kết tạo thành).
Tuy nhiên thường những phương pháp được nói tới ở trên đều rất đắt đỏ và chưa mang tính phổ biến. Chính vì vậy một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi kỹ sư sinh học Ardeshir Bayat từ trường ĐH. Manchester (Anh) đã nảy ra ý tưởng về việc sử dụng da tử thi để áp dụng trên người. Bởi theo các nhà nghiên cứu, lớp da của tử thi sẽ có thể khử sạch được các chất kháng sinh.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kết hợp các chất tẩy rửa, enzym và nhiều loại hóa chất khác để loại bỏ các tế bào ra khỏi da. Do đó, hệ thống miễn dịch của người nhận sẽ ít bị phản ứng với tình trạng không tiếp nhận cơ quan từ bên ngoài. Đồng thời nhóm nghiên cứu cũng cho biết, họ đã tiến hành lột lớp bên trong cùng của da tức là lớp hạ bì, nơi chứa các mạnh máu, dây thần kinh, các nang lông và tuyến mồ hôi và để lại ma trận ngoại bào protein.
Tiến sỹ Bayat ví cách tiến hành lấy da này cũng giống như một một ngôi nhà rỗng không có nội thất nên chúng ta có thể dễ dàng lắp ráp vào và tái tạo lại một ngôi nhà như lúc ban đầu. Theo cùng cách đó, lớp hạ bì sẽ cung cấp một lớp giá đỡ quan trọng cho các tế bào của cơ thể. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, lớp hạ bì này còn có thể chữa trị rất tốt cho các vết thương cấp tính như bỏng.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã lấy ra 4 tấm da, mỗi tấm khoảng 5mm từ 50 người tình nguyện khỏe mạnh. Sau đó tất cả chúng sẽ được thử nghiệm trên các vết thương đã chuẩn bị trước. Một vết thương sẽ được để lành tự nhiên, một vết thương khác sẽ sử dụng tấm da đã được loại bỏ để gắn lại, vết thương thứ ba sử dụng da nhân tạo và vết thương cuối cùng sử dụng tấm da được lấy từ một tử thi.
Quá trình nghiên cứu tiến triển và các nhà khoa học thấy rằng, lớp da được lấy từ tử thi thích nghi khá tốt trên cơ thể người tình nguyện và chúng mang đến sự kích thích tái tạo các mạch máu mới dưới da khá ấn tượng. Đặc biệt nó còn có thể tái tạo lại được lớp da ở chỗ các vết sẹo.
Đánh giá về ưu điểm của lớp da đặc biệt này, các nhà nghiên cứu thấy rằng nó mang lại nhiều ưu điểm hơn so với da nhân tạo khá nhiều do chúng có cấu trúc quen thuộc và phù hợp với cơ thể con người hơn.
Tiến sỹ Bayat hiện đang tiếp tục lên kế hoạch thử nghiệm lớp da này trên bệnh nhân thực cũng như nghiên cứu bổ sung thêm dòng điện kích thích để tìm hiểu khả năng tăng tốc quá trình tái tạo da.
Được biết, nhóm nghiên cứu của ông đã từng chứng minh được da người chết có thể chữa trị được các vết thương mãn tính có thời gian từ 6-8 tuần hoặc trong một số trường hợp còn có thể lên tới 1 năm. Thậm chí tiến sỹ Bayat kể lại, ông và các đồng nghiệp cũng đã từng chữa được cho một bệnh nhân 92 tuổi và đã có hơn 20 năm phải sống chung với các vết loét da. Tuy nhiên thật ngạc nhiên sau đợt điều trị 4 tuần sử dụng lớp da tử thi đặc biệt này, bệnh nhân này đã được chữa lành một cách hoàn toàn.
Nghiên cứu này một lần nữa lại mở ra một niềm vui mới cho số đông người cao tuổi hiện nay, khi tình trạng dân số già hóa đang gia tăng nhanh chóng và tỷ lệ người bị các chứng bệnh liên quan đến các vết thương trên da do tiểu đường hay béo phì gây ra cũng ngày càng nhiều. Hy vọng nghiên cứu khả quan này sẽ sớm đạt được những tiến bộ vượt bậc hơn nữa để nhanh chóng được áp dụng rộng rãi trong thời gian tới nhằm mở ra cơ hội chữa trị các vết thương về da cho tất cả mọi người.