Phát hiện dấu vết thiên thạch đâm xuống Trái đất sớm nhất
Các nhà khoa học tìm thấy những khối cầu đá niên đại 3,48 tỷ năm, hình thành khi thiên thạch đâm xuống mặt đất.
Bằng chứng về vụ va chạm thiên thạch cổ xưa nhất được tìm thấy trong một nhóm đá núi lửa và trầm tích ở Tây Australia. (Ảnh: Alamy).
Giáo sư Christian Köberl tại Đại học Vienna, Áo, cùng đồng nghiệp có thể đã phát hiện bằng chứng cổ xưa nhất về thiên thạch đâm xuống Trái đất. Kết quả nghiên cứu được trình bay tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt trăng 2023 diễn ra tại Texas, Mỹ, từ ngày 13 - 17/3.
Trong các tảng đá niên đại 3,48 tỷ năm thuộc Hệ tầng Dresser, Tây Australia, nhóm chuyên gia tìm thấy những cấu trúc phù hợp với một vụ va chạm từ ngoài không gian. Đó là những khối cầu đá (spherule) với cấu trúc và thành phần hóa học cho thấy giả thuyết ngoài Trái đất có thể chính xác.
Việc tìm bằng chứng về những vụ va chạm thiên thạch cổ xưa trên Trái đất không hề đơn giản. Các mảng kiến tạo và sự xói mòn đã xóa bằng chứng về những sự kiện tạo nên thời sơ khai của hành tinh xanh. Hố va chạm lâu đời nhất từng ghi nhận là Yarrabubba ở Tây Australia, có niên đại 2,23 tỷ năm.
Tuy nhiên, có những khu vực trên Trái đất với các tảng đá cổ xưa hơn. Do đó, giới nghiên cứu cũng tìm kiếm bằng chứng gián tiếp về sự kiện thiên thạch đâm - ví dụ như khối cầu đá. Các khối cầu có thể hình thành theo vài cách khác nhau, một trong số đó là khi thiên thạch đâm xuống mặt đất và làm đá nóng chảy bắn văng lên, cứng lại thành những khối nhỏ.
Để xác định xem những khối cầu ở Hệ tầng Dresser có hình thành từ một vụ va chạm thiên thạch hay không, Köberl cùng đồng nghiệp sử dụng một loạt kỹ thuật tiên tiến để phân tích kết cấu và thành phần hóa học của chúng. "Các thành phần ngoài Trái đất chiếm đa số trong cấu tạo của những khối cầu này", ông cho biết.
Các thành phần đó bao gồm một lượng lớn iridium, một số đồng vị của osmium và đá spinel niken - crom. Chúng cũng có hình quả tạ hoặc giọt nước đặc trưng với nhiều bong bóng bên trong. Đây là những đặc điểm phổ biến ở khối cầu đá thiên thạch do cách chúng đông cứng lại sau va chạm. Những khối cầu đá mới phát hiện gần giống với những khối nhỏ hơn một chút mà các nhà nghiên cứu từng tìm được ở Australia và Nam Phi.
Việc tìm kiếm các vụ va chạm thiên thạch cổ xưa rất quan trọng vì giúp giới chuyên gia tái dựng lịch sử Trái đất. Các điều kiện trên Trái đất thời sơ khai phụ thuộc rất nhiều vào số lượng thiên thạch đâm xuống. Nhóm chuyên gia đang nỗ lực nghiên cứu thêm các mẫu đá chứa những khối cầu thiên thạch để hiểu thêm về vụ va chạm cổ xưa, từ đó hiểu thêm về lịch sử sơ khai của hành tinh xanh.

Kính viễn vọng James Webb chuẩn bị dọ thám 2 "siêu Trái đất" kỳ lạ
Kính viễn vọng không gian James Webb sẽ khám phá những thế giới mới ở một mức độ chi tiết chưa từng có trước đây.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện không ngờ ở mặt trăng của hành tinh "có thể có sự sống"
Nếu như dấu hiệu về đại dương ngầm của sao Diêm Vương khiến một số nhà khoa học kỳ vọng về sự sống thì đại dương ngầm trong mặt trăng Charon của nó lại là một địa ngục ngược đời.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Sự thật gây sốc: Loại hành tinh quái vật này là những "cỗ máy thời gian"
Dữ liệu từ NASA và ESA hé lộ một dạng hành tinh khổng lồ, cực đoan mang sức mạnh khiến ngôi sao mẹ nằm cạnh nó hồi xuân và làm sai lệch các phép đo thiên văn.
