Phát hiện hố đen siêu khổng lồ
Các chuyên gia của Trường đại học Texas (Mỹ) đã tìm thấy hố đen lớn nhất vũ trụ, tính đến thời điểm này, mở ra hướng nghiên cứu mới về cách các thiên hà và hố đen hình thành.
Các nhà thiên văn học đã phát hiện được một hố đen siêu khổng lồ, với tỷ trọng tương đương 17 tỉ lần mặt trời của chúng ta.
“Con quái vật” trên có đường kính rộng hơn 11 lần quỹ đạo của Hải Vương tinh, hành tinh thứ tám trong hệ mặt trời.
Thiên hà NGC1277 đã thu hút sự chú ý đặc biệt
của giới chuyên gia - (Ảnh: McDonald Observatory)
Nó nằm giữa trung tâm của thiên hà NGC1277, cách địa cầu 220 triệu năm ánh sáng, thuộc chòm sao Anh Tiên. Hố đen này chiếm đến 14% khối lượng của toàn thiên hà, ăn đứt hố đen khác cùng thiên hà (khoảng 0,1%), trong khi hầu hết các hố đen chỉ chiếm không đầy 1% khối lượng của thiên hà chủ.
Mô tả NGC1277, trưởng nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Karl Gebhardt của Trường đại học Texas cho hay, đây đúng là một thiên hà lập dị, nếu không muốn nói là hầu như chứa toàn hố đen.
“Nó có thể là vật thể đầu tiên của hệ thống mới phát hiện về thiên hà - hố đen”, theo chuyên gia Gebhardt. Nhóm của ông đã tìm thấy thiên hà trên nhờ vào kính thiên văn Hobby-Eberly ở Texas, theo báo cáo đăng tải trên chuyên san Nature.
Kết quả nghiên cứu này có thể thay đổi hoàn toàn lý thuyết về sự hình thành và phát triển của các hố đen và thiên hà.
Trước nay, giới thiên văn học luôn chấp nhận giả thuyết rằng thiên hà có trước rồi mới đến hố đen. Trong trường hợp NGC1277, nhóm của Gebhardt đang tìm hiểu xem có phải hố đen xuất hiện trước hay không? Và liệu có phải hố đen hình thành xong, mới kéo theo các vật chất xung quanh nó? Các câu trả lời sẽ giúp xác định cấu trúc của thiên hà này.