Phát hiện hóa thạch "khủng long thiên nga" kỳ dị ở Mông Cổ
Hóa thạch 75 triệu năm ở Mông Cổ thuộc về con khủng long trông như tổ hợp lai kỳ dị giữa thiên nga, cá sấu, vịt và đà điểu.
Nhà cổ sinh vật học Dennis Voeten (Đại học Palacky, Cộng hòa Séc) và các cộng sự đặt tên sinh vật này là Halszkaraptor escuilliei, gọi tắt là Halszka, lấy theo tên nhà cổ sinh vật học quá cố người Ba Lan Halszka Osmolska. Nó được xác định là một con khủng long, dù hình dáng kỳ dị.
Ảnh phục dựng của con khủng long sở hữu thân hình thiên nga, mỏ vịt, răng cá sấu, chân đà điểu và những móng tay sát thủ - (Ảnh: AP)
Trong bài báo cáo vừa xuất bản trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu cho biết theo phân tích hóa thạch tìm được, "khủng long thiên nga" này chỉ cao khoảng 46cm và sống trên trái đất vào 75 triệu năm về trước.
Con khủng long có mỏ như vịt, răng của cá sấu, cổ và thân mình giống thiên nga, đôi chân của đà điểu với các móng như chim cánh cụt cùng bộ móng tay "sát thủ". Theo nghiên cứu, đó là một loài khủng long ăn thịt có khả năng bơi lội giỏi và tốc độ trên cạn cũng cao.
Bộ xương cuộn tròn hầu như nguyên vẹn của con khủng long kỳ dị đã được tìm thấy trong một tảng sa thạch ở Mông Cổ.
Nhóm nghiên cứu bên hóa thạch của "khủng long thiên nga" - (ảnh: ESRP).
Đồng tác giả nghiên cứu, nhà cổ sinh vật học Paul Tafforeau (ESRP, Pháp) cho biết cơ thể hỗn hợp của con vật cho phép nó vừa có thể chạy nhanh và săn bắt trên mặt đất, vừa bắt cá trong nước ngọt.
Cận cảnh phần hóa thạch - (ảnh: ESRP).
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà cổ sinh vật học Andrea Cau (Bảo tàng Địa chất Capellini, Bologna - Ý) từng nghi ngờ về tính xác thực của hóa thạch bởi nó từng bị buôn lậu khỏi Mông Cổ trước khi về lại tay của giới khoa học. Tuy nhiên, kỹ thuật Synchrotron tạo hình ảnh 3 chiều và nhiều phân tích đã cho phép họ khẳng định đây quả thật là một sinh vật hòa chỉnh với các phần cơ thể ăn khớp và khả dụng cho hoạt động sống.