Phát hiện hóa thạch thú tiền sử có hàm răng kỳ quái
Các nhà cổ sinh vật học phát hiện một loài động vật có vú ăn tạp chưa từng được biết tới sống cách đây ít nhất 72 triệu năm.
Hóa thạch của sinh vật, bao gồm xương hàm dưới vẫn còn lưu giữ đủ 5 chiếc răng, được khai quật tại hệ tầng Dorotea gần công viên quốc gia Torres del Paine của Chile. Khám phá cho thấy các loài động vật có vú đã đi lang thang trong khu vực Patagonia ở phần cực nam của Nam Mỹ sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Orretherium tzen là động vật ăn tạp, trông giống chồn hôi và sống trong kỷ Phấn trắng muộn.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Sergio Soto từ Đại học Chile đã đặt tên cho loài mới là Orretherium tzen, có nghĩa là "quái thú năm răng" trong sự kết hợp giữa tiếng Hy Lạp và ngôn ngữ bản địa.
Theo mô tả trên tạp chí Scientific Reports, Orretherium tzen là động vật ăn tạp, trông giống chồn hôi và sống trong kỷ Phấn trắng muộn cách đây 72 đến 74 triệu năm, khi khủng long vẫn còn tồn tại trên Trái Đất.
Đồng tác giả của nghiên cứu Agustín Martinelli nhấn mạnh đây là một trong những loài động vật có vú sở hữu hàm răng nguyên thủy nhất. Việc mọc răng cho thấy chúng có một chế độ ăn đa dạng, bao gồm cả hoa quả, rễ cây và động vật không xương sống như côn trùng và sâu.
Hóa thạch mới có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử tiến hóa của nhánh Gondwanatheria, một nhóm động vật có đã tuyệt chủng từng sống ở Nam bán cầu. Nó còn cho thấy khu vực mũi phía nam Chile có tiềm năng to lớn về mặt cổ sinh vật học.
"Phát hiện này sẽ giúp chúng ta trả lời các câu hỏi lớn về tiến hóa và địa sinh học vẫn tồn tại trong cộng đồng cổ sinh vật cũng như các hệ sinh thái cổ đại không còn tồn tại ngày nay", Soto nhấn mạnh.
Mô phỏng loài Orretherium tzen. (Video: AFP).