Phát hiện kháng sinh mới có khả năng tiêu diệt vi khuẩn kháng thuốc mạnh
Một nhóm nhà khoa học tại Mỹ và Thụy Sĩ vừa phát triển một kháng sinh mới có khả năng tiêu diệt hiệu quả vi khuẩn Acinetobacter baumannii, hay còn gọi là CRAB, vốn có khả năng kháng thuốc mạnh và gây tỷ lệ tử vong cao ở bệnh nhân.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN).
Theo nghiên cứu do nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Harvard (Mỹ) và công ty chăm sóc sức khỏe Hoffmann-La Roche (Thụy Sĩ), loại kháng sinh mới, zosurabalpin, chứng tỏ tiêu diệt hiệu quả đối với hơn 100 mẫu bệnh phẩm được thử nghiệm lâm sàng. Các nhà nghiên cứu cho biết loại kháng sinh này làm giảm đáng kể lượng vi khuẩn ở chuột bị viêm phổi do CRAB gây ra và cũng ngăn nguy cơ tử vong ở chuột bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn này.
Tiến sĩ Kenneth Bradley, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bệnh truyền nhiễm toàn cầu thuộc công ty Hoffmann-La Roche, zosurabalpin là cách tiếp cận mới, cả về hợp chất cũng như cơ chế tiêu diệt vi khuẩn. Các tác giả lưu ý thuốc zosurabalpin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I để đánh giá độ an toàn, khả năng dung nạp, cũng như tác dụng dược lý ở người.
CRAB là loại vi khuẩn được Tổ chức y tế Thế giới (WHO) phân loại vào nhóm “cực kỳ nguy hiểm”, có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người. Theo WHO, vi khuẩn này có khả năng kháng kháng sinh cực mạnh và chống lại nhiều biện pháp điều trị hiện có. Do đó, trong hơn 50 năm qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chưa thể cấp phép loại kháng sinh mới nào có thể tiêu diệt được CRAB.
Vi khuẩn này có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài trên các thiết bị dùng chung. Chúng có thể lây lan qua tay người, thông qua hoạt động tiếp xúc thông thường. Ngoài gây ra các bệnh truyền nhiễm về máu, CRAB còn gây bệnh cho phổi và đường tiết niệu.
CRAB là mối đe dọa lớn với các bệnh viện, viện dưỡng lão và những bệnh nhân đang lệ thuộc vào máy trợ thở, máy lọc máu. Chúng cũng gây nguy hiểm cho những người có vết thương hở sau phẫu thuật. Số liệu thống kê cho thấy 20% số ca bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt trên thế giới nhiễm vi khuẩn này.