Phát hiện mới về sự hình thành bão mặt trời
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Anberta của Canada ngày 26/5 cho biết họ có thể theo dõi được sự hình thành của một cơn bão mặt trời từ điểm xuất phát của nó trong vũ trụ.
Phát hiện này có thể đem lại một "công cụ mới" trong việc dự đoán thời tiết trong vũ trụ.
Nhóm nhà khoa học thuộc trường Đại học Alberta do hai nhà vật lý học Jonathan Rae và Ian Mann đứng đầu đã sử dụng các dữ liệu do 5 vệ tinh Themis quan sát vũ trụ do Cơ quan vũ trụ Canada (CSA) và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên từ năm 2007, cũng như một số trạm quan sát dưới mặt đất cung cấp để xác định nơi hình thành một cơn bão mặt trời.
Bão mặt trời là một luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của các ngôi sao mang các hạt electron và proton ở năng lượng cao, khoảng 500KeV.
Các dòng hạt mang điện phóng ra từ mặt trời sinh ra một từ trường, có độ lớn vào khoảng 6.10 - 9 teslab và ép lên từ trường trái đất làm cho từ trường nơi bị ép tăng lên.
Khi từ trường trái đất tăng lên, từ thông sẽ biến thiên và sinh ra một dòng điện cảm ứng chống lại sự tăng từ trường của trái đất. Dòng điện cảm ứng này có thể đạt cường độ hàng triệu ămpe chuyển động vòng quanh trái đất và gây ra một từ trường rất lớn tác dụng lên từ trường trái đất.
Về tác hại của bão mặt trời, các nhà khoa học cho rằng cơn bão này có thể làm gián đoạn hệ thống truyền tải điện, sóng điện thoại, gây tê liệt các thiết bị vệ tinh và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Do vậy, việc xác định được điểm hình thành bão mặt trời rất quan trọng để loài người có thể giảm thiểu thiệt hại mà nó gây ra.
Nhà vật lý Ian Mann cho biết các vệ tinh Themis sẽ tiếp tục theo dõi các trận bão mặt trời thêm 3 năm nữa và những thông tin này sẽ giúp nhóm của ông dự báo ngày một chính xác hơn thời tiết trong vũ trụ./.