Phát hiện mới về triệu chứng Covid-19 kéo dài

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng máu của nhiều người khỏi bệnh Covid-19 có vi huyết khối, được cho là nguyên nhân của những triệu chứng dai dẳng dù đã âm tính với virus.

“Một trong những thất bại lớn nhất trong đại dịch Covid-19 là phản ứng chậm chạp của chúng ta trong việc chẩn đoán và điều trị các hội chứng hậu Covid-19. Khoảng 100 triệu người trên toàn thế giới vẫn phải trải qua các triệu chứng này”, Resia Pretorius - Trưởng bộ môn và là giáo sư nghiên cứu về khoa học sinh lý, Đại học Stellenbosch, Nam Phi - mở đầu bài phân tích của mình trên trang Guardian.

Con số này được cho là sẽ còn cao hơn nhiều, do không chẩn đoán đầy đủ, và do con người vẫn chưa biết tác động của Omicron và các biến chủng trong tương lai sẽ như thế nào.

Trong một nghiên cứu gần đây, giáo sư Pretorius và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng trong máu của bệnh nhân hậu Covid-19 có các vi huyết khối (cục máu đông nhỏ) khó phân rã. Bà cho rằng chính điều này đã khiến người bệnh vẫn phải chịu những triệu chứng dai dẳng dù đã âm tính với virus.

Phát hiện mới về triệu chứng Covid-19 kéo dài
Bệnh nhân hậu Covid-19 thường mệt mỏi kéo dài, yếu cơ, khó ngủ, lo lắng... (Ảnh: Financial Times).

Vi huyết khối ở bệnh nhân hậu Covid-19

Bệnh nhân mắc hội chứng hậu Covid-19 phàn nàn về nhiều triệu chứng khác nhau, chủ yếu là mệt mỏi, sương mù não (hay quên, thiếu tập trung, kém minh mẫn…), yếu cơ, khó thở, lượng oxy thấp, khó ngủ và lo lắng hoặc trầm cảm.

Một số bệnh nhân bị nặng đến mức họ không thể làm việc hoặc thậm chí không thể đi bộ vài bước. Họ cũng có thể có nguy cơ cao bị đột quỵ và đau tim. Một trong những điều đáng lo ngại nhất là dù chỉ mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc thậm chí đôi khi không có triệu chứng, người nhiễm virus vẫn có thể bị suy nhược, ốm yếu trong thời gian dài.

Từ đầu năm 2020, bà Pretorius và các nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng Covid-19 cấp tính không chỉ đơn thuần là một bệnh về đường hô hấp, mà nó còn thực sự ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống mạch máu (lưu thông máu) và khả năng đông máu.

Bà trích dẫn một nghiên cứu gần đây của mình, cho thấy có sự hình thành vi huyết khối đáng kể trong máu của cả bệnh nhân Covid-19 cấp tính và bệnh nhân hậu Covid-19.

Đối với người có sinh lý khỏe mạnh, các cục máu đông có thể hình thành (ví dụ như khi bị đứt tay). Tuy nhiên, cơ thể sẽ phá vỡ các cục máu đông đó qua một quá trình gọi là tiêu sợi huyết.

Phát hiện mới về triệu chứng Covid-19 kéo dài
Vi huyết khối có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hậu Covid-19. (Ảnh: Istock).

“Trong máu của bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, các vi huyết khối có khả năng chống lại quá trình tiêu sợi huyết của cơ thể”, vị giáo sư nói.

“Chúng tôi tìm thấy mức độ cao phân tử gây viêm khác nhau mắc kẹt trong các vi huyết khối bền, bao gồm protein đông máu như plasminogen, fibrinogen và yếu tố Von Willebrand (VWF - protein mang yếu tố VIII, cần để dính tiểu cầu trong giai đoạn đầu của quá trình đông máu), và Alpha-2 antiplasmin (một phân tử ngăn ngừa sự phân rã của huyết khối)”, bà giải thích rõ.

Sự hiện diện của các vi huyết khối bền và tình trạng tăng tiểu cầu bất thường (cũng tham gia vào quá trình đông máu) đã khiến kéo dài quá trình đông máu và bệnh lý liên quan đến mạch máu, dẫn đến tế bào không nhận đủ oxy để duy trì chức năng của cơ thể (được gọi là tình trạng thiếu oxy tế bào). Tình trạng thiếu oxy trên có thể là nguyên nhân chính của nhiều triệu chứng suy nhược được báo cáo.

Chẩn đoán sai về hội chứng Covid-19 kéo dài

Bệnh nhân hậu Covid-19 thường không thể tìm ra phương án điều trị khi đi khám thông thường, vì hiện tại không có xét nghiệm bệnh lý tổng quát nào để chẩn đoán cho những bệnh nhân này.

Họ thường nhận được thông báo rằng kết quả xét nghiệm bệnh lý của họ cho thấy tình trạng sức khỏe bình thường hoặc tốt. Nhiều người được chẩn đoán rằng các triệu chứng của họ có thể là do vấn đề tâm lý.

Lý do chính mà các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm truyền thống không phát hiện ra bất kỳ phân tử gây viêm nào là do chúng bị mắc kẹt bên trong các vi huyết khối kháng tiêu sợi huyết (có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi huỳnh quang hoặc trường sáng). Khi đo hàm lượng phân tử của phần hòa tan trong huyết tương, các phân tử gây viêm, bao gồm tự kháng thể (auto-antibody), hầu hết bị bỏ sót.

Phát hiện mới về triệu chứng Covid-19 kéo dài
Nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 được chẩn đoán không chính xác. Các triệu chứng của họ bị cho là do vấn đề tâm lý. (Ảnh: AFP).

Các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy những phương pháp điều trị như phác đồ chống kết tập tiểu cầu và chống đông máu đã cho kết quả đầy hứa hẹn trong các trường hợp hậu Covid-19, miễn là có sự theo dõi chuyên môn cẩn thận về bất kỳ nguy cơ chảy máu nào có thể xảy ra do dùng các thuốc này.

Ngoài ra, liệu pháp phân tách máu - trong đó vi huyết khối và phân tử viêm được lọc ra - cũng có thể mang lại kết quả tích cực cho bệnh nhân.

“Chúng ta cần khẩn trương đầu tư vào nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng nhiều hơn để hiểu và khẳng định rõ hơn mối liên hệ giữa đông máu bất thường, tình trạng thiếu oxy và rối loạn chức năng mạch máu ở những bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài”, giáo sư Pretorius kêu gọi.

Bà tin rằng cả người không có các triệu chứng hậu Covid-19 cũng có thể hưởng lợi từ những nghiên cứu như vậy, vì các triệu chứng được ghi nhận ở bệnh nhân hậu Covid-19 cho thấy nhiều điểm tương đồng với triệu chứng có ở các bệnh mạn tính và liên quan đến virus khác, bao gồm viêm tủy xương, hội chứng mệt mỏi mãn tính (ME/CFS) - loại bệnh đã bị xem như một hiện tượng tâm lý trong nhiều thập kỷ.

"Chỉ vì chúng ta vẫn chưa xác định được dấu hiệu sinh học của hội chứng hậu Covid-19, không có nghĩa là dấu hiệu sinh học đó không tồn tại. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng hơn", bà nói.

Từ khóa liên quan:
Loading...
TIN CŨ HƠN
Phát hiện biến thể lai giữa Delta và Omicron

Phát hiện biến thể lai giữa Delta và Omicron

Ngày 8-1, truyền thông quốc tế đưa tin các nhà khoa học ở Cyprus đã phát hiện biến thể mới " kết hợp các yếu tố của biến thể Delta và Omicron"

Đăng ngày: 10/01/2022
Thời điểm nào F0 dễ lây lan virus?

Thời điểm nào F0 dễ lây lan virus?

Thời điểm nào người bệnh Covid-19 có thể làm phát tán virus mạnh nhất?

Đăng ngày: 08/01/2022
Chiết xuất từ vi khuẩn ngăn nCoV bám vào tế bào

Chiết xuất từ vi khuẩn ngăn nCoV bám vào tế bào

OM-85, hợp chất phân giải tế bào lấy từ vi khuẩn, có thể ngăn chặn lây nhiễm nCOV bằng cách giảm khả năng liên kết của virus với thụ thể ACE2 ở bề mặt tế bào phổi.

Đăng ngày: 07/01/2022
Trung Quốc hé lộ thông tin chi tiết về phiên bản

Trung Quốc hé lộ thông tin chi tiết về phiên bản "tàng hình" của biến thể Omicron

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố thông tin chi tiết về dòng BA.2 của biến thể “siêu đột biến” Omicron.

Đăng ngày: 06/01/2022
CORBEVAX: Loại vaccine Covid đặc biệt nhất thế giới, hơn cả Pfizer, Moderna hay AstraZeneca

CORBEVAX: Loại vaccine Covid đặc biệt nhất thế giới, hơn cả Pfizer, Moderna hay AstraZeneca

CORBEVAX giống như một món quà dành cho toàn nhân loại - theo lời các chuyên gia y tế.

Đăng ngày: 06/01/2022
WHO thông báo về biến thể mới IHU phát hiện lần đầu tiên ở Pháp

WHO thông báo về biến thể mới IHU phát hiện lần đầu tiên ở Pháp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng về biến thể của virus SARS-CoV-2, có tên gọi là IHU hay B.1.640.2, được phát hiện đầu tiên ở Pháp cuối năm 2021.

Đăng ngày: 06/01/2022
Israel phát hiện ca

Israel phát hiện ca "florona" - nhiễm trùng Covid-19 kép đầu tiên trên thế giới

Truyền thông Israel đưa tin, trường hợp mắc bệnh 'florona' - nhiễm trùng kép giữa Covid-19 và cúm - được phát hiện ở một phụ nữ đến Trung tâm Y tế Rabin trong tuần này để sinh con.

Đăng ngày: 04/01/2022
Tiêu điểm
Khoa Học News