Phát hiện một số loài động vật phát sáng dưới tia UV
Các nhà sinh vật học phát hiện nhiều loài thú có túi ở Australia có khả năng phát sáng nhẹ trong bóng tối khi tiếp xúc với tia UV.
Trong một khám phá tình cờ vào giữa tháng 10, các nhà khoa học từ Đại học Northland của Mỹ đã chiếu tia UV lên thú mỏ vịt và phát hiện nó phát sáng màu xanh lục. Đây là lần đầu tiên hiện tượng phát quang sinh học được quan sát thấy ở động vật có vú.
Lấy cảm hứng từ khám phá này, các nhà nghiên cứu do Kenny Travouillon dẫn đầu đã tiến hành một thí nghiệm chiếu tia UV lên các mẫu vật tại Bảo tàng Tây Australia và thu được kết quả rất bất ngờ.
Mẫu vật gấu túi mũi trần phát sáng dưới tia UV. (Ảnh: Kenny Travouillon).
"Chúng tôi tắt tất cả đèn tại bảo tàng, sau đó chiếu tia UV và quan sát xung quanh. Mẫu vật đầu tiên mà nhóm kiểm tra là một con thú mỏ vịt và nó đã phát sáng đúng như nghiên cứu trước đây. Chúng tôi tiếp tục kiểm tra các loài thú có túi và nhận thấy chuột chũi, chuột đất và gẫu túi mũi trần đều phát sáng dưới tia UV", Travouillon cho biết.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng hiện tượng phát quang sinh học ở những loài vật này cũng diễn ra trong tự nhiên nhưng để mắt người có thể nhìn thấy, chúng ta cần một nguồn sáng UV cường độ cao.
Mẫu vật chuột đất phát sáng dưới tia UV. (Ảnh: Kenny Travouillon).
Travouillon cùng các cộng sự không chắc chắn về lý do thú có túi phát sáng, nhưng theo suy đoán của Travouillon, nó chỉ đơn giản là một dấu hiệu để chúng nhận ra đồng loại trong bóng tối vì các mẫu vật đều là loài ăn đêm. "Việc nhìn thấy đồng loại từ xa gợi ý rằng hướng đi về phía đó là an toàn", Travouillon chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm chiếu tia UV lên các loài thú ăn thịt và chúng hoàn toàn không phát sáng. Điều này có thể là do động vật săn mồi cần ẩn mình trong bóng tối để không bị con mồi phát hiện.