Phát hiện thiên hà khổng lồ, lớn hơn dải Ngân hà 2,5 lần
Kính viễn vọng Hubble của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phát hiện UGC 2885, thiên hà xoắn ốc với kích thước lớn nhất từng ghi nhận.
Thiên hà này cách chúng ta khoảng 232 triệu năm ánh sáng, thuộc phía bắc chòm sao Perseus. Không chỉ có kích thước khổng lồ, UGC 2885 còn chứa một hố đen siêu lớn chưa tỉnh giấc ở trung tâm.
Với đường chéo 463.000 năm ánh sáng, UGC 2885 rộng hơn khoảng 2,5 lần dải Ngân hà chứa Hệ Mặt Trời của chúng ta, với số sao khoảng một nghìn tỷ, nhiều hơn chúng ta 10 lần.
Thiên hà UGC 2885 lớn hơn dải Ngân hà của chúng ta 2,5 lần. (Ảnh: Đại học Louisville).
Do kích thước rất lớn nên UGC 2885 được NASA đặt biệt danh là "thiên hà Godzilla" (con quái vật trong bộ phim cùng tên, dù thiên hà này rất "hiền" khi chưa từng va chạm bất cứ thiên hà lớn nào). Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kentucky đang phân tích về kích thước khổng lồ của nó.
Benne Holwerda, nhà thiên văn học chịu trách nhiệm nghiên cứu về UGC 2885 thừa nhận chưa thể biết tại sao thiên hà này lớn như vậy.
"Nó như thể bạn tạo ra một thiên hà xoắn ốc không hề va chạm bất cứ thứ gì trong không gian", Holwerda chia sẻ.
UGC 2885 đã được giới chuyên môn biết đến từ hàng chục năm qua. Quỹ đạo quay của nó được nhà thiên văn học Vera Rubin (1928-2016) đo từ những năm 1980 nhằm nghiên cứu các vật chất tối. Để tôn vinh nhà khoa học Rubin, Holwerda gọi thiên hà này bằng chính tên của ông.
Kết quả nghiên cứu được Holwerda và các cộng sự trình bày ngày 5/1 tại cuộc họp lần thứ 235 của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ ở Hawaii.
Một số thiên hà lớn nuốt chửng các thiên hà nhỏ hơn theo thời gian để tăng kích thước, dải Ngân hà là ví dụ, liệu Rubin (UGC 2885) có tương tự như vậy?
Theo Holwerda, đến hiện tại chưa phát hiện vụ "nuốt" thiên hà nào liên quan đến Rubin. Nhóm của anh đang phân tích các cụm sao cầu khổng lồ để tìm ra câu trả lời.
Công việc được hỗ trợ bởi hình ảnh chụp từ kính viễn vọng không gian Hubble của NASA. Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng kính viễn vọng James Webb để phân tích phần trung tâm của thiên hà cũng như quần thể cụm sao cầu. Kính viễn vọng khảo sát hồng ngoại trường rộng (WFIRST) có thể đưa ra những thông tin chi tiết hơn về quần thể này.