Phát hiện "Trái đất đá" có cùng lúc 3 mặt trời
Các nhà khoa học Mỹ vừa khám phá ra một hành tinh đá nóng bỏng và kỳ lạ cách Trái đất chỉ 22,5 năm ánh sáng.
Nghiên cứu mới do tiến sĩ Jennifer Winters từ Trung tâm Vật lý thiên văn Havard – Smithsonian đứng đầu đã vén bức màn bí ẩn về một hành tinh được nuôi dưỡng bởi người mẹ kỳ lạ: LTT 1445Ab.
Mô phỏng của Sci-News về hành tinh mới phát hiện và 3 mặt trời.
Sao mẹ LTT 1445A của hành tinh nói trên không đơn độc như mặt trời của chúng ta mà là thành viên của một hệ 3 sao tên LTT 1445. Quan sát từ trái đất, 3 ngôi sao nằm gần nhau, sắp thành một đường thẳng trong đó LTT 1445A tỏa sáng rực rỡ nhất.
LTT 1445Ab "con" của LTT 1445A nhưng nếu đứng trên hành tinh này, chúng ta có thể nhìn thấy cả 2 "mặt trời" còn lại.
Hệ 3 sao LTT 1445 vốn là các sao lùn M tỏa ánh sáng màu đỏ nên có thể nói hành tinh mới phát hiện sở hữu 3 "mặt trời đỏ" khá độc đáo.
Bản thân hành tinh LTT 1445Ab là một thế giới đá, kích thước chỉ hơn Trái đất một chút – gấp 1,35 lần – nhưng do thành phần nhiều đá hơn nên nặng hơn tới 8,4 lần. Các hành tinh có kích cỡ xấp xỉ trái đất như vậy là mục tiêu của các nhà thiên văn, bởi kích thước đó là điều kiện đầu tiên nhen lên hy vọng về sự sống. Nhưng rất tiếc, theo các phép đo đạc, hành tinh mới này khó lòng ở được bởi nó cực nóng.
Ngày mới trên LTT 1445Ab, chúng ta có thể chiêm ngưỡng cùng lúc 3 mặt trời mọc - (ảnh đồ họa của MARK GARLICK).
"Trái đất đá" LTT 1445Ab ở quá gần sao mẹ, quay quanh nó mỗi 5,36 ngày và nhiệt độ bề mặt lên tới 155 độ C. Ước tính lượng ánh sáng nó nhận được gấp 5,1 lần ánh sáng mà trái đất nhận được từ mặt trời. Ở nhiệt độ đó, nước khó lòng tồn tại ở thể lỏng.
Điều đáng mừng nhất: LTT 1445Ab là hành tinh ngoài hệ mặt trời mà người Trái đất có thể quan sát rõ ràng nhất từ trước đến nay. Nó không phải ngoại hành tinh gần Trái đất nhất, nhưng được chiếu sáng trong điều kiện phù hợp nhất. Ở các hệ hành tinh gần Trái đất khác như HD 210134 (cách trái đất 21 năm ánh sáng) hay TRAPPIST-1 (cách 41 năm ánh sáng, nổi tiếng với 7 "bản sao Trái đất", ngôi sao mẹ hoặc quá sáng đến mức làm lóa hành tinh quay quanh nó, hoặc quá tối khiến các hành tinh trở nên mờ ảo, khó quan sát.
Nghiên cứu đầy đủ sẽ được công bố trên tạp chí khoa học Astronomical Journal số sắp tới.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.
