Phát kiến thay đổi tương lai nhân loại: Nhà Ống giấy Kobe!
Các căn nhà tạm của Ban được gọi là Nhà Ống giấy Kobe và cung cấp nơi trú ẩn an toàn, ấm áp cho hàng nghìn người tị nạn đang phải sơ tán.
Tháng 1 năm 1995, kiến trúc sư trẻ Shigeru Ban tới Kobe, Nhật Bản, chứng kiến hậu quả của một trong những trận động đất có sức tàn phá kinh khủng nhất trong lịch sử.
Shigeru Ban được mệnh danh là “phù thủy” xây nhà bằng giấy carton cho những người tị nạn. (Nguồn: vietnamconstruction).
Trận đại động đất Hanshin-Awaji mạnh 7,2 độ cùng 74 đợt dư chấn khiến 6.433 người thiệt mạng, phá hủy gần 400.000 tòa nhà, vô số đường sá và cầu đường sắt, cũng như phần lớn bờ kè trong cảng. Khoảng 300 đám cháy bùng phát trong thành phố làm gián đoạn hệ thống điện, nước và khí đốt.
Cư dân Kobe kể cho Ban nghe những đợt rung lắc dữ dội đẩy bật họ khỏi giường lúc rạng đông. Trong 20 giây, thế giới tràn ngập tiếng kính vỡ, ngói rơi và tiếng răng rắc của gỗ cũ bị bẻ cong. Khi những người sống sót bắt đầu mạo hiểm bước ra ngoài, những gì họ nhìn thấy như ở địa ngục. Cửa sổ tan tành. Xe hơi nát vụn. Nhà cửa sụp đổ. Xác chết la liệt khắp nơi. Các nhà địa chấn học sau đó xác định chấn tiêu nằm trên đường đứt gãy trượt ngang theo hướng đông-tây nơi các mảng kiến tạo Á-Âu và Philippines gặp nhau. Tổng cộng, trận động đất gây thiệt hại hơn 100 tỷ đôla.
Ban là một trong 1,2 triệu (con số đáng kinh ngạc) tình nguyện viên đổ về vùng Kobe để cứu trợ và giúp đỡ. Là kiến trúc sư, anh cảm thấy quá nhiều đồng nghiệp trong nghề, kể cả bản thân, đã không đủ cố gắng để trợ giúp hàng nghìn người mất nhà cửa trong thiên tai. “Chúng tôi đã không làm việc để phục vụ xã hội”, anh nhớ lại.
“Chúng tôi làm việc vì những người có đặc quyền đặc lợi, người giàu, các nhà phát triển của chính phủ”.
Ban biết mình cần làm gì để cải thiện tình hình. Sau khi chứng kiến một trong những nhà thờ Công giáo địa phương bị phá hủy hoàn toàn, anh đến gặp các linh mục với đề xuất táo bạo.
Nhà Ống giấy Kobe. (Nguồn: archdaily).
“Tại sao chúng ta không xây dựng lại nhà thờ bằng ống giấy?”, anh hỏi.
Cuộc trao đổi đó vừa ngắn vừa kỳ cục. “Ôi, Lạy Chúa”, các linh mục hoài nghi đáp lại. “Anh điên à? Sau đám cháy?”. Họ thẳng thừng từ chối. Có ai đầu óc tỉnh táo lại đồng ý với đề xuất xây nhà bằng giấy?
Không nản lòng, Ban tuyển tình nguyện viên và tiến hành kế hoạch xây nhà cho những người cần nơi trú ngụ nhất ở Kobe bằng cách sử dụng ống giấy tái chế. Loại vật liệu xây dựng này chứng tỏ được sự chắc chắn, giá cả phải chăng và sức bền trước độ ẩm và mối mọt, và có lẽ đáng ngạc nhiên nhất là khả năng chống nước và chống cháy.
Các căn nhà tạm của Ban được gọi là Nhà Ống giấy Kobe và cung cấp nơi trú ẩn an toàn, ấm áp cho hàng nghìn người tị nạn đang phải sơ tán. Móng nhà là các thùng đựng bia quyên tặng được nhồi đầy các bao cát.
Để cách nhiệt, Ban sử dụng băng xốp chống nước gia cố bằng keo, chèn vào giữa các ống giấy của tường. Mỗi căn nhà có giá chưa đến 2.000 đôla. Sau khi Ban xây được 50 căn nhà, các linh mục cuối cùng cũng dịu lại. Họ nói: “Miễn là anh tự kêu gọi quyên góp và đưa sinh viên đến xây, anh có thể làm”.
Vậy là Ban dành năm tuần để xây dựng lại nhà thờ Takatori, sau này trở nên nổi tiếng thế giới với tên gọi Nhà thờ Giấy. Tuy dự định ban đầu là chỉ tồn tại ba năm, nhà thờ đã được rất nhiều người yêu thích và đã đứng vững ở Kobe tới hơn một thập kỷ. Cuối cùng, nó được tháo dỡ và vận chuyển đến Đài Loan.
Cho đến nay, nhà thờ này vẫn là địa điểm hành lễ cố định, trước hết là để phục vụ nạn nhân của các trận động đất trên đảo. Những căn nhà giấy dễ xây dựng của Ban hiện được sử dụng thường xuyên trên khắp Nhật Bản - và toàn thế giới - khi thiên tai xảy ra.