"Quái điểu" 152 triệu tuổi hiện ra trong mỏ đá, nguyên vẹn như vừa chết
Mẫu vật cổ xưa nhất của Pterodactylus, loài quái điểu từng giúp thế giới biết được sự tồn tại của dực long vào năm 1784, vừa được tìm thấy tại một mỏ đá ở Đức.
Theo SciTech Daily, mẫu vật vừa được tìm thấy là một bộ xương hoàn chỉnh, được bảo quản rất tốt dù đã qua một khoảng thời gian cực dài là 152 triệu năm.
Sinh vật đáng sợ được tìm thấy từ năm 2014 nhưng các nhà khảo cổ đã mất rất nhiều thời gian để có thể khai quật tỉ mỉ nhằm giữ nguyên cơ thể mong manh mà thiên nhiên đã vô tình bảo tồn.
Cận cảnh hóa thạch "quái điểu" nguyên vẹn vừa được tìm thấy ở Đức - (Ảnh: Fossil Record)
Con quái điểu lạ lùng đã được nghiên cứu chi tiết bởi các nhà nghiên cứu Felix Augustin, Andreas Matzke, Panagiotis Kampouridis và Josephina Hartung từ Trường Đại học Tübingen và aimund Albersdörfer từ Bảo tàng Khủng long Altmühltal (Đức). Cho đến nay họ đã có thể xác định danh tính cũng như niên đại của nó.
Pterodactylus được các nhà cổ sinh vật học coi là "quái điểu của lịch sử" vì là nhóm dực long (còn gọi là thằn lằn có cánh hay thằn lằn ngón cánh, tức pterosaur) đầu tiên được xác định trên thế giới.
Nó được mô tả lần đầu bởi nhà tự nhiên học Cosimo Alessandro Collini vào năm 1784 như một sinh vật sống dưới nước nhưng sau đó được nhà tự nhiên học người Pháp George Cuvier xác định lại là một nhóm bò sát biết bay mới.
Nó được tìm thấy gần Painten, một thị trấn nhỏ ở bang Bavaria của Đức, là nơi nổi tiếng với các hóa thạch dực long. Bavaria cũng là "quê hương" của con dực long năm 1784. Mẫu vật càng đáng giá gấp bội bởi với niên đại 152 triệu tuổi, nó trở thành con Pterodactylus xưa nhất được tìm thấy trên thế giới.
"Đá của mỏ đá, nơi tiết lộ mẫu vật Pterodactylus mới, bao gồm đá vôi silic hóa có niên đại khoảng 152 triệu năm trước. Trước đây Pterodactylus chỉ được tìm thấy ở những tảng đá trẻ hơn ở miền Nam nước Đức" - các tác giả cho biết.
Mẫu vật nguyên vẹn này chỉ bị khuyết một phần rất nhỏ xương hàm trái và xương chày trái. Ngoài ra toàn bộ xương còn nằm nguyên vị trí giải phẫu, như thể nó đáp xuống và bị "đóng băng" ngay trong đá.
Đó là một quái điểu cỡ nhỏ với hộp sọ chỉ 5 cm, bởi Pterodactylus là một trong những nhóm dực long nhỏ bé nhất. Nhóm thằn lằn bay sống cùng thời khủng long này rất đa dạng kích cỡ, con lớn nhất sải cánh có thể tới 12 m - gấp 4 lần một con đại bàng cỡ lớn.
Cũng vì nhỏ bé nên một hóa thạch Pterodactylus nguyên vẹn cỡ này, không bị hủy hoại do các tác động theo thời gian là vô cùng hiếm thấy. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu chi tiết hóa thạch tinh xảo này với hy vọng tìm thêm các mảnh ghép đáng giá cho bức tranh về nhóm quái điểu ăn thịt đáng sợ nhất từng bay lượn trên bầu trời Trái đất.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Fossil Record.