Rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier bị tẩy trắng nghiêm trọng
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Australia ghi nhận tình trạng rạn san hô lớn nhất thế giới GBR bị tẩy trắng trong chu kỳ thời tiết La Nina, hiện tượng nước biển lạnh hơn bình thường.
Rạn san hô Great Barrier ở Australia. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Báo cáo Reef Snapshot do Cơ quan quản lý công viên biển Rạn san hô Great Barrier công bố ngày 10/5 đã làm rõ chi tiết những thiệt hại do đợt tẩy trắng hàng loạt lần thứ 4 mà rạn san hô lớn nhất thế giới trải qua kể từ năm 2016. Báo cáo cảnh báo: “Biến đổi khí hậu đang leo thang và Rạn san hô Great Barrier đang phải gánh chịu hậu quả".
Cơ quan quản lý công viên biển Rạn san hô Great Barrier đã tiến hành các cuộc khảo sát sâu rộng về rạn san hô được xếp hạng Di sản Thế giới này trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022. Theo đó, các nhà khoa học phát hiện rằng sau khi nước bắt đầu ấm lên vào tháng 12/2021, cả 3 khu vực chính của rạn san hô bị tẩy trắng - hiện tượng xảy ra khi san hô bị tác động làm biến đổi các loại tảo có màu sắc rực rỡ sống trong đó.
Báo cáo cho biết mặc dù san hô bị tẩy trắng vẫn còn sống và các phần bị ảnh hưởng vừa phải có thể phục hồi, nhưng san hô bị tẩy trắng với mức độ nghiêm trọng có nguy cơ chết cao hơn. Trong số 719 rạn san hô được khảo sát, 654 rạn (chiếm 91%) bị tẩy trắng ở một mức độ nào đó.
Báo cáo trên được công bố 10 ngày trước cuộc bầu cử liên bang Australia, dự kiến diễn ra vào ngày 21/5, trong đó cư tri nước này đặc biệt quan tâm đến chính sách về biến đổi khí hậu.
Vào tháng 6 tới, Ủy ban Di sản Thế giới của Liên hợp quốc sẽ quyết định có đưa GBR vào danh sách các di sản "đang gặp nguy hiểm" hay không. Trước đó, vào năm 2015, khi Liên hợp quốc khuyến cáo hạ cấp di sản thế giới đối với GBR, Australia đã lập kế hoạch "Rạn san hô 2050" và chi hàng tỷ USD cho hoạt động bảo vệ.