Robot NASA có thể thu âm thanh đầu tiên trên hành tinh khác
Microphone gắn trên robot thám hiểm Perseverance có thể sẽ ghi lại những âm thanh trên sao Hỏa khi đáp xuống hành tinh này vào tháng sau.
Robot Perseverance của NASA đang trên đường bay tới sao Hỏa và dự kiến hạ cánh vào ngày 18/2. Perseverance trang bị hai microphone, một chiếc dùng để ghi lại âm thanh phát ra khi robot bắn xung laser vào đá, giúp các nhà khoa học xác định loại đá. Microphone còn lại sẽ ghi âm quá trình Perseverance tiến vào khí quyển sao Hỏa và mọi tiếng động khác nó nghe thấy trên bề mặt hành tinh đỏ.
Robot Perseverance sẽ giúp các nhà khoa học nghe thấy âm thanh ngoài hành tinh. (Ảnh: NASA).
Một số âm thanh quen thuộc với con người trên Trái đất như tiếng huýt sáo, tiếng chuông hoặc chim hót sẽ gần như không nghe được trên sao Hỏa, NASA cho biết. Nguyên nhân là khí quyển sao Hỏa chỉ mỏng bằng 1% khí quyển Trái đất và cấu tạo phần lớn từ CO2.
Âm thanh trên sao Hỏa sẽ rất khác do mật độ, nhiệt độ và thành phần cấu tạo của khí quyển không giống Trái đất, theo James Nabity, phó giáo sư ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Colorado Boulder. "Tôi dự đoán âm thanh trên sao Hỏa có bước sóng dài và tần số thấp hơn vì khí quyển của hành tinh này rất giàu CO2", Nabity giải thích. CO2 có thể khiến tần số giọng nói của con người thấp hơn 1/3, theo NASA.
Sao Hỏa là vùng đất lạnh và cằn cỗi nên những âm thanh mà Perseverance có thể ghi lại từ môi trường xung quanh cũng sẽ hạn chế. "Tôi nghĩ chúng ta có thể nghe tiếng gió, đất đá rơi, bề mặt sao Hỏa biến đổi hoặc động đất, thậm chí tiếng thiên thạch rơi nếu robot có mặt đúng lúc đúng chỗ", Nabity nói.
Phần lớn âm thanh mà Perseverance ghi lại sẽ xuất phát từ chính robot này, theo Ken Williford, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA. "Gió là một yếu tố hiển nhiên. Sao Hỏa thường xuyên có gió. Ngoài ra, những cơn lốc bụi có thể mang theo cát và tạo ra thêm nhiều âm thanh. Những âm thanh khác từ robot có thể thú vị hơn, ví dụ như tiếng bánh xe nghiến qua đất đá hay tiếng khoan đá sao Hỏa", Williford cho biết.
"Một số người sẽ nghĩ các sóng địa chấn mà chúng tôi đã ghi lại bằng địa chấn kế của trạm đổ bộ Insight là âm thanh, nhưng về bản chất thì không phải. Vì vậy, đây sẽ là lần đầu tiên", Williford chia sẻ. Ông cũng cho rằng trong tương lai, phi hành gia có thể trò chuyện với nhau trên sao Hỏa mà không cần sử dụng hệ thống liên lạc nội bộ, miễn là bộ đồ vũ trụ không cản trở.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.
