"Sát thủ số 2" lén đáp xuống Trái đất giữa thảm họa thiên thạch
Vật thể bí ẩn đã khoét vào bề mặt Trái đất một miệng hố rộng đến 8km và có thể là "đồng phạm" của Chicxulub.
Theo The Guardian, dấu vết một vật thể ngoài Trái đất được tìm thấy dưới đáy biển ngoài khơi Guinea ở Tây Phi có thể là bằng chứng cho thấy sự kiện tuyệt chủng mà loài khủng long hứng chịu 66 triệu năm trước không phải do một mình "sát thủ" Chicxulub gây nên.
Hố va chạm Nadir có thể là bằng chứng về "đồng phạm" của tiểu hành tinh Chicxulub đã quét sạch loài khủng long trên Trái đất - (Minh họa AI: ANH THƯ).
Khoảng 66 triệu năm trước, tiểu hành tinh khổng lồ mang tên Chicxulub đã giáng một sức mạnh tương đương khoảng 1 triệu quả bom nguyên tử xuống Trái đất, thúc đẩy hàng loạt thảm họa khốc liệt, chấm dứt "thời đại quái vật" của địa cầu.
Dấu vết của sự kiện này là một miệng hố va chạm nằm vắt vẻo nơi bán đảo Yucatán của Mexico.
Giờ đây, các nhà khoa học phát hiện sự thật giật mình: Kết quả xác định niên đại của hố va chạm có đường kính lên tới 8 km ngoài khơi Tây Phi cho thấy nó xuất hiện khoảng 65-67 triệu năm trước.
Các tính toán cho thấy nó là dấu vết còn lại của một tiểu hành tinh đường kính hơn 400 m, từng lao với tốc độ hơn 72.420 km/giờ xuống Trái đất.
TS Uisdean Nicholson - một nhà địa chất biển tại Đại học Heriot-Watt (Anh), tác giả chính của nghiên cứu về miệng hố được đặt tên là Nadir này - cho biết các nhà khoa học đã phát hiện hố va chạm nhờ bản đồ 3D lập từ sóng địa chấn.
Kết quả cho thấy ngoài đường kính khổng lồ, miệng hố cũng sâu đến 300 m.
Các chi tiết này cho thấy vụ va chạm tuy "yếu" hơn thảm họa Chicxulub nhưng cũng đủ gây ra những cơn chấn động dữ dội làm hóa lỏng trầm tích bên dưới đáy đại dương, hình thành các đứt gãy mới.
Sự kiện đáng sợ cũng gây ra lở đất với dấu vết thiệt hại có thể nhìn thấy trong phạm vi hàng ngàn dặm vuông ngoài vành miệng hố va chạm.
Từ đó, một cơn sóng thần "quái vật" cao hơn 800m đã hình thành và càn quét Đại Tây Dương.
Một lượng lớn khí nhà kính cũng được giải phóng đột ngột vào bầu khí quyển trong chuỗi thảm họa.
Viết trên tạp chí khoa học Nature Communications Earth & Environment, các nhà nghiên cứu cho biết họ còn nghi ngờ khối đá không gian này là "anh em" của Chicxulub.
Có khả năng cả hai vật thể được tách ra từ một "cơ thể mẹ" chung, là một tiểu hành tinh lớn đã bị vỡ ra thành nhiều mảnh lớn nhỏ trên chặng đường tìm đến Trái đất.