Sóng nhiệt xóa sổ một tỷ sinh vật trên bờ biển Canada
Nghiên cứu mới của Đại học British Columbia cho thấy nhiệt độ cao kỷ lục trong vài tuần qua tác động lớn như thế nào tới hệ sinh thái biển.
Ước tính khoảng một tỷ sinh vật trên bờ biển Vancouver ở miền tây Canada đã chết do nắng nóng trong vài tuần qua. Con số thực tế thậm chí còn có thể cao hơn nhiều, theo một báo cáo gần đây của Giáo sư Christopher Harley từ Đại học British Columbia.
Một phần bờ biển Vancouver bị bao phủ bởi xác trai chết. (Ảnh: Christopher Harley).
"Tôi đã làm việc ở Tây Bắc Thái Bình Dương trong gần 25 năm qua nhưng chưa thấy bất cứ điều gì như thế này", Harley nói với đài phát thanh công cộng NPR.
Nhà nghiên cứu đưa ra ước tính của mình bằng cách đếm số lượng sinh vật chết, chủ yếu là trai, tại một khu vực đại diện cho toàn bộ bờ biển Vancouver.
"Đây là ước tính sơ bộ dựa trên dữ liệu tốt, nhưng tôi thực sự lo lắng rằng nó vẫn thấp hơn nhiều so với thực tế", Harley cho biết thêm. "Tôi vẫn đang tiếp tục khảo sát và nghe mọi người kể về những sinh vật chết khác như nghêu, cua, hải quỳ và sao biển. Khi bắt đầu xem xét tất cả cá loài bị ảnh hưởng, bạn sẽ thấy đó là một thảm họa tồi tệ như thế nào đối với hệ sinh thái".
Giáo sư Christopher Harley, tác giả chính của nghiên cứu. (Ảnh: Christopher Harley).
Không ít những đợt nắng nóng đã ảnh hưởng đến sinh vật biển trong quá khứ, nhưng nhiệt độ lên tới hơn 37,8°C như vào cuối tuần trước là đặc biệt hiếm ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Harley cảnh báo rằng với thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay, các đợt nắng nóng tương tự có thể lặp lại sau mỗi 5 - 10 năm. Nếu chúng xảy ra thường xuyên, hệ sinh thái biển sẽ không có thời gian để phục hồi giữa các sự kiện chết hàng loạt.
Phó giáo sư Malin Pinsky từ Đại học Rutgers của Mỹ cho biết thêm rằng, nhiệt độ tăng cao còn góp phần vào một "sự tái tổ chức lớn" trong cuộc sống đại dương".
"Các loài đang dịch chuyển về hai cực của Trái đất với tốc độ khoảng 60km mỗi thập kỷ, nhưng xu hướng này không diễn ra từ từ, từng chút một. Thay vào đó, nó thường xảy ra trong những sự kiện cực đoan như ở Vancouver, nơi các loài như trai chết hàng loạt", Pinsky giải thích.
Pinsky cũng đồng ý rằng ước tính của Harley về một tỷ sinh vật chết có thể là một con số quá thấp. "Nó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Chúng ta nhìn thấy trai vì chúng ở trên bờ biển. Vẫn còn những khu vực rộng lớn khác của đại dương bị ảnh hưởng nhưng khuất tầm nhìn", nhà nghiên cứu nói thêm.
Việc sinh vật biển chết hàng loạt không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống dưới đại dương mà còn tác động đến sinh vật trên cạn, từ các loài chim biển săn mồi đến con người đánh bắt và tiêu thụ hải sản.