Tái chế tóc và phân ngựa làm gạch xây nhà, giải pháp tuyệt vời ứng phó biến đổi khí hậu
Một nữ thiết kế đến từ Anh đã nghiên cứu và cho ra đời loại gạch làm từ đất sét cùng các phế phẩm như tóc và phân ngựa.
Ellie Birkhead, đến từ Anh, tốt nghiệp thạc sĩ thiết kế của tại Học viện thiết kế Eindhoven. Cô đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm gạch xây dựng có thành phần là những phế phẩm nông nghiệp như rơm, tóc, phân ngựa, mảnh thủy tinh... Với mong muốn, loại gạch của cô sẽ là giải pháp tương lai cho ngành nông nghiệp cũng như công nghiệp địa phương, xa hơn là ý nghĩa về một môi trường sống xanh và bớt ô nhiễm.
Nhà thiết kế trẻ Ellie Birkhead với dự án hướng về tính bản địa của mình.
Ellie chia sẻ, những viên gạch của cô được làm từ tóc thừa từ tiệm hớt tóc, rơm cùng lông cừu bỏ đi, phân ngựa từ chuồng ngựa, chai lọ thủy tinh từ các quán rượu trong vùng hay những hạt thừa từ quy trình sản xuất bia.
Loại gạch Ellie ra đời là sản phẩm kết hợp từ tính thiên nhiên của đất sét và tính nhân tạo của những loại phế phẩm công nông nghiệp.
Tóc được dùng để làm gạch không nung, dạng sợi hay còn gọi là gạch ốp, thường được làm từ rơm. Gạch từ lông cừu và phân ngựa cũng được chế tạo tương tự.
Loại gạch từ tro rơm được nung lên, rơm làm thay đổi màu gạch. Tương tự, khi thêm phế liệu là thuỷ tinh cũng cho ra những màu sắc và nước men khác nhau. Nguyên liệu hạt bị đốt cháy khi nung cho ra thành phẩm cuối cùng là gạch có những lỗ nhỏ như tổ ong.
Mỗi nguyên liệu thêm vào đều đem lại hiệu quả về chất cảm cho gạch. Điều đó tạo lên tính đa dạng và tính thẩm mỹ tốt hơn những loại gạch thông thường khác.
Tất cả những nguyên liệu trên đều được lấy từ Chiltern Hills - nơi đã từng là trung tâm sản xuất gạch ở Anh. Trước kia, hầu hết các căn nhà ở đây đều được xây bằng gạch đỏ cam truyền thống.
Birkhead, xuất thân từ Buckinghamshire, làm việc trong các ngành công nghiệp thủ công và truyền thống đang có nguy cơ mai một ở Anh. Trong một video quảng bá cho dự án của mình, cô đã đặt ra câu hỏi liệu rằng có thể vượt qua sức ép của toàn cầu hoá để xây dựng một tương lai mới cho nền công nghiệp địa phương hay không.
Ellie trăn trở về tính bản địa và những ngành sản xuất truyền thống dần bị mai một bởi tác động từ xu hướng đô thị hóa ngày một gia tăng.
Birkhead nhận định việc sản xuất gạch là một phần quan trọng của bản sắc địa phương: “Gạch không đơn thuần chỉ là một nguyên liệu mà nó có thể sánh ngang với bất kì toà kiến trúc nào và có khả năng thay đổi diện mạo của một vùng.”
Sử dụng gạch có nguyên liệu bản địa, sẽ tạo lên sự đặc sắc và bản tính độc đáo của nơi đó. Ellie suy nghĩ như vậy, đó là một phương hướng có thể thay đổi theo hưỡng tích cực những tác động xấu từ toàn cầu hóa.
Cô cũng cho biết thêm: "Màu sắc đa dạng của gạch ngay lập tức cho bạn biết nguồn gốc của nó. Gạch nhập từ nước ngoài hay các vùng khác sẽ mất đi tính liên kết và đa dạng này."
Birkhead phát hiện Chilterns từng là một trung tâm sản xuất quy mô nhỏ, các hộ gia đình san sẻ nguyên liệu và tận dụng phế liệu của nhau. Vì vậy, cô muốn tạo ra mối liên kết mới, tạo nên một mô hình sản xuất gạch độc đáo, góp phần duy trì nghề của địa phương.
"Dự án lần này cho thấy một hướng nhìn nhận lại sản xuất địa phương mà có thể áp dụng ở bất cứ đâu", nữ thiết kế chia sẻ.
Không chỉ có tác động tốt đến môi trường, loại gạch mà nữ thiết kế trẻ này sản xuất còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn.
Và liệu rằng ở Việt Nam, nơi mà xu hướng đô thị hóa cũng đang khiến các ngành nghề thủ công mai một, một nghiên cứu mang tính hướng nội như của Ellie có khả thi ?