Tại sao những vụ án luôn hấp dẫn chúng ta trở thành thám tử online trên mạng?
Tội phạm, nhất là những vụ án mạng, luôn là một chủ đề thu hút sự quan tâm của công chúng. Ngày nay, bạn có thể bắt gặp chủ đề tội phạm ở bất cứ đâu, trên mặt báo, truyền hình, mạng xã hội...
Và mặc dù sự hấp dẫn đó đã tồn tại trong suốt nhiều thập kỷ, sự xuất hiện của internet lại thổi thêm một làn sóng mới cho những chủ đề này. Bây giờ, thay vì chỉ đọc một cuốn tiểu thuyết hư cấu nào đó, những người hâm mộ có thể trực tiếp tham gia vào giải quyết những vụ án ngoài đời thực.
Những cộng đồng "thám tử mạng" đã bắt đầu hình thành, điển hình như websleuths, r/RBI, r/UnsolvedMysteries. Internet trở thành môi trường chia sẻ thông tin, manh mối và bằng chứng cực kỳ nhanh chóng. Nó giúp cho bất kỳ ai ngồi sau bàn phím cũng có thể suy luận về những gì đã diễn ra.
Sự hấp dẫn của những vụ án đời thực là không thể phủ nhận. Nhưng chính xác thì điều gì đã thu hút chúng ta trở thành những thám tử nghiệp dư như vậy?
1. Con người có bản năng cảnh giác
Tiến sĩ Marissa Harrison, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Pennsylvania cho biết con người quan tâm đến chủ đề tội phạm, bởi chúng ta đã tiến hóa để cảnh giác đến những gì có thể gây hại cho chúng ta.
Nó giống như một bản năng sinh tồn. Thông qua việc tìm hiểu về những vụ án mạng – trả lời những câu hỏi như ai là kẻ giết người, vụ án đã xảy ra như thế nào, nạn nhân là ai... – mọi người cũng sẽ tìm hiểu được cách phòng ngừa tránh cho chính bản thân mình trở thành một nạn nhân trong tương lai.
Bản năng sinh tồn thôi thúc chúng ta tìm hiểu về những vụ án, Amanda Vicary, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Illinois đồng ý.
Động lực này đặc biệt đúng với phụ nữ. Một nghiên cứu năm 2010 trên tạp chí Social Psychological and Personality Science cho thấy phụ nữ có xu hướng tìm kiếm những câu chuyện tội phạm ngoài đời thực hơn nam giới.
Họ đọc những câu chuyện như một sự chuẩn bị, tìm trong đó những cách phòng tránh, những lời khuyên giúp họ đối phó với tình huống nguy hiểm tương tự. Về cơ bản, điều đó hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu về tội phạm học, giải thích rằng tất cả chúng ta đều có xu hướng tập trung vào các mối đe dọa tới bản thân mình.
2. Những vụ án luôn là những câu chuyện
Chẳng phải tình cờ mà tiểu thuyết trinh thám trở thành hẳn một dòng văn học ăn khách. Mọi thứ xuất phát từ trong gen của chúng ta. Justine Mastin, một nhà trị liệu tâm lý tại Minneapolis, cho biết: Là con người, chúng ta luôn bị hút chặt vào những câu chuyện.
"Chúng ta đã tương tác với tất cả các loại câu chuyện từ thuở bình minh của giống loài. Những truyền thuyết được kể bằng miệng, các bản vẽ trên vách hang động kể về cả những chiến thắng và thất bại như một cách để truyền những bài học của thế hệ trước cho thế hệ sau", cô nói.
Và những vụ án luôn là những câu chuyện điển hình nhất. "Con người đặc biệt bị thu hút bởi những câu chuyện cho phép chúng ta tự hỏi điều gì đã xảy ra, và xảy ra như thế nào? Tôi sẽ hành động như thế nào nếu tôi là một người trong câu chuyện về vụ án đó?", Mastin nói.
Chúng ta cũng tin rằng mình có thể làm tốt hơn nếu đối mặt với những hoàn cảnh tương tự.
3. Chúng ẩn chứa những câu đố
Trong mọi vụ án chưa được giải quyết luôn tồn tại những câu đố kích thích não bộ. Sau khi theo dõi một vụ án với các tình tiết trên tivi hoặc báo chí, chúng ta có xu hướng xâu chuỗi chúng lại, tự suy luận và chơi trò chơi thám tử ghế bành.
Michele Ruyters, phó trưởng khoa Tư pháp và Nghiên cứu Pháp lý tại Đại học RMIT cho biết chúng ta muốn giải thích một vụ án giống như cách chúng ta muốn giải một câu đố hoặc trò chơi ô chữ.
"Trái tim tôi nghĩ mọi người ai cũng thích trở thành thám tử", bà nói. "Sự tò mò bẩm sinh của con người khiến chúng ta muốn phân tích mọi vấn đề và tìm lời giải cho nó".
4. Niềm vui tội lỗi từ những vụ án
Những câu chuyện về tội phạm cho phép chúng ta trải nghiệm những cảm xúc đáng sợ mà không thực sự hóa thân vào chúng, và điều đó tạo ra cảm giác an toàn, Mastin nói. "Mặc dù tôi đang trải nghiệm điều này, nhưng tôi có thể dừng lại bất cứ lúc nào".
Đó là cảm giác thích thú cùng loại với những trải nghiệm khi bạn xem phim kinh dị hoặc nghe truyện ma. Adrenaline tác dụng lên hệ thần kinh giao cảm, bạn vẫn trải nghiệm cảm giác sợ hãi vì những gì xảy ra trong vụ án, nhưng lại thỏa mãn vì kiểm soát được nỗi sợ ấy của mình.
Đó còn là một niềm vui tội lỗi khi nhận ra rằng bản thân bạn không phải là nạn nhân trong câu chuyện.
Các nhà tâm lý học gọi nó là schadenfreude – vui sướng trên sự bất hạnh của người khác. Khi đọc về những vụ án, mọi người thường có xu hướng nhẹ nhõm bởi bản thân mình không phải là nạn nhân của nó.
5. Và niềm khao khát công lý
Ngoài những động lực mang tính cảm xúc, lý trí cũng là một phần thúc đẩy chúng ta quan tâm đến những vụ án.
Keith Findley, phó giáo sư tội phạm học tại Đại học Luật Wisconsin cho biết các vụ án mở, chưa được điều tra làm rõ – hoặc đã có kết luận điều tra nhưng còn nhiều nghi vấn – là yếu tố chính góp phần thu hút sự chú ý của công chúng.
"Công chúng bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn, rằng đôi khi những người vô tội bị kết án oan", Findley nói. Nếu một người vô tội bị kết án vì một tội ác mà họ không thực hiện, người theo dõi sẽ cảm thấy họ cần tham gia ý kiến vào đó.
Tất cả mọi người đều có chung một lý tưởng rằng công lý phải được thực thi.