Tại sao rất nhiều nơi trên thế giới đều có điểm chung là chôn cất người quá cố trong quan tài?
Chôn cất truyền thống với quan tài đã tồn tại hàng nghìn năm, song không phải là giải pháp hoàn hảo khi xét đến tác động môi trường và sức khỏe cộng đồng. Với những lựa chọn thay thế như hỏa táng và phân trộn đang ngày càng phổ biến, liệu chúng ta có thể từ bỏ quan tài và thay đổi cách thức chôn cất để giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời vẫn giữ trọn vẹn ý nghĩa trang trọng cho người đã khuất?
Trong hàng nghìn năm, nghi lễ chôn cất đã là cách loài người đối mặt với cái chết và vĩnh biệt những người thân của mình. Tuy nhiên, chôn cất truyền thống thường đi kèm với quan tài và các phụ kiện khác lại không phải là giải pháp hoàn hảo tại nhiều nơi ở thời điểm hiện tại. Tại Mỹ, khoảng 404.685 ha đất hiện đang được dành cho nghĩa trang, trong khi sản xuất quan tài tiêu thụ khoảng 1,6 triệu ha rừng mỗi năm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bỏ qua việc sử dụng quan tài, và tại sao người ta lại cần quan tài để chôn cất thay vì chỉ đặt thi thể trực tiếp vào lòng đất?
Trên khắp thế giới, việc sử dụng quan tài trong các nghi lễ tang lễ là một phong tục có từ lâu đời, phản ánh niềm tin và văn hóa đặc trưng của từng cộng đồng. Quan tài không chỉ là một vật dụng để bảo quản thi hài trước khi an táng hoặc hỏa táng mà còn là biểu tượng của sự tôn kính đối với người đã khuất.
Một trong những lý do quan trọng để dùng quan tài trong chôn cất là sự tiện lợi và trang nghiêm. Quan tài không chỉ là vật chứa thi thể mà còn tạo không gian an toàn để các thành viên trong gia đình có thể tiễn biệt người đã khuất. Nếu chỉ dùng túi đựng thi thể, dù thực dụng, nhưng cảm giác trân trọng và tôn vinh sẽ bị giảm đi đáng kể.
Quan tài mang lại khả năng xử lý thi thể một cách gọn gàng, chắc chắn, giúp cho những người đưa tang không phải đối mặt với mùi phân hủy tự nhiên của cơ thể. Việc đóng kín của quan tài còn giúp giảm bớt các phản ứng không mong muốn trong quá trình di chuyển và chôn cất.
Quan tài mang lại khả năng xử lý thi thể một cách gọn gàng, chắc chắn...
Việc sử dụng quan tài còn giúp bảo vệ môi trường xung quanh khu vực chôn cất, ngăn chặn sự phân hủy của thi thể tiếp xúc trực tiếp với đất và nước, mặc dù vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể để xác minh điều này. Phong tục chôn cất theo địa táng, hay còn gọi là thổ táng, là phương pháp phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước phương Đông, thực hiện bằng cách đặt thi thể trong quan tài và sau đó đưa xuống huyệt mộ. Trong quá trình này, gia đình và người thân thực hiện nghi lễ và đặt vật dụng kỷ niệm vào trong quan tài, thể hiện sự gắn bó và tôn trọng đối với người đã mất.
Khi qua đời, cơ thể con người trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, bao gồm những loại vi khuẩn mà hệ miễn dịch đã kìm hãm trước đó. Một số bệnh như lao, dịch tả và bệnh xuất huyết có thể tồn tại trong thi thể sau khi tử vong, và chúng có khả năng lây nhiễm cao đối với những ai thường xuyên tiếp xúc với người đã khuất. Do đó, trong một số trường hợp, người ta buộc phải dùng quan tài kín hoặc niêm phong đặc biệt để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Quan tài lót chì đã trở thành truyền thống trong hoàng gia Anh kể từ thời vua William the Conqueror, nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh và bảo vệ thi thể.
Cũng có những quan niệm khác về việc sử dụng quan tài, như tại một số nơi, quan tài được đóng đinh để ngăn chặn hiện tượng tráo xác hoặc ma nhập.
Trong tự nhiên, quá trình phân hủy diễn ra nhanh chóng nhờ sự tham gia của hệ sinh thái với hàng loạt các loài sinh vật từ vi khuẩn đến động vật ăn xác thối. Tuy nhiên, nếu chôn cất người chết mà không sử dụng quan tài và chỉ đắp một lớp đất mỏng bên trên, cơ thể sẽ sớm bị "khai quật" do sự hoạt động của côn trùng, chim, và động vật ăn xác như cáo, chó sói, hay chim kền kền.
Sâu bọ như ruồi nhặng có thể đào xuống sâu để tiếp cận thi thể và đẻ trứng, đẩy nhanh quá trình phân hủy và làm rải rác hài cốt. Ngay cả chó nhà cũng có thể bị thu hút bởi xương người đã được chôn cất nông và gây ra những tình huống khó xử.
Trong nhiều nền văn hóa, người ta thường gửi những đồ vật quý giá cùng người đã khuất, điều này tạo cơ hội cho những kẻ trộm mộ. Các quan tài không chỉ là nơi bảo vệ thi thể mà còn là lớp rào chắn ngăn ngừa sự đột nhập của những kẻ trộm và những tay săn xác. Đặc biệt, trong thế kỷ 18 và 19, khi nhu cầu nghiên cứu khoa học tăng cao, tình trạng trộm xác diễn ra phổ biến, thúc đẩy nhiều gia đình bảo vệ ngôi mộ của người thân bằng các thiết bị an ninh như ngư lôi quan tài – thiết bị được phát minh để ngăn chặn các tay trộm táo tợn.
Chôn truyền thống cất không còn là lựa chọn duy nhất.
Ngày nay, có nhiều lựa chọn có thể thay thế được việc chôn cất truyền thống và đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường và ngăn ngừa việc sử dụng tài nguyên một cách lãng phí. Các phương pháp như hỏa táng, thủy táng và thậm chí là biến thi thể thành một dạng dưỡng chất cho đất đang dần phổ biến. Những phương pháp này không chỉ tiết kiệm tài nguyên mà còn giúp người chết trở thành một phần hữu ích của vòng đời tự nhiên. Trong tương lai, xu hướng này có thể sẽ phát triển mạnh mẽ, thay thế dần các phương thức truyền thống.
Chôn truyền thống cất không còn là lựa chọn duy nhất và đôi khi quan tài cũng có thể không cần thiết, nhưng sự thay đổi này cần cân nhắc dựa trên yếu tố văn hóa, sức khỏe và môi trường. Khi chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, với những tiến bộ trong công nghệ và tư duy về cái chết, quan niệm về việc vĩnh biệt người thân cũng đang dần thay đổi.