Tạo thịt mà không cần giết mổ gia súc
Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Maastricht (Hà Lan) đã tiến hành phát triển thịt bò nhân tạo được nuôi cấy từ 10.000 tế bào gốc của bò.
Quá trình nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ giúp những tế bào gốc này phân chia thành hàng tỷ tế bào để tổng hợp thành các mô cơ giống như thịt bò nạc.
Trước đó, năm 2009, tiến sĩ Mark Post – người tiên phong cho công nghệ này, cùng các cộng sự đã nuôi cấy thành công thịt lợn nhân tạo bằng phương pháp tương tự. Ông đã tạo ra những miếng thịt dài 2,5cm và rộng 0,7cm. Tuy nhiên, "chúng có màu trắng vì không có máu và rất ít sắc tố trong đó" ông nói. "Chúng tôi đang tìm cách tạo ra sắc tố để nó có màu sắc như những miếng thịt thông thường".
Một sơ đồ mô phỏng quá trình nuôi cấy thịt bò nhân tạo. (Ảnh: Daily Mail)
Với sự giúp đỡ từ một nhà tài trợ giấu tên, Post đã sẵn sàng mở rộng quá trình nghiên cứu trên các tế bào bò. "Tôi hy vọng sẽ có một chiếc bánh hamburger được tạo ra theo cách này trong vòng một năm tới", ông chia sẻ.
Stellan Welin, nhà nghiên cứu sinh vật tại Đại học Linkoping (Thụy Điển) cũng là người tổ chức cuộc họp tuần này cho biết thêm: "Tôi tin rằng chúng ta có thể ăn tất cả các loại thịt mà trước đây được coi là rất hiếm". Theo Stellan Welin, người dân phần lớn lựa chọn loại thịt của những động vật đã được thuần hóa thông thường chứ không phải là chọn loại thịt ngon nhất. Thịt nhân tạo sẽ phá vỡ quy tắc tiêu dùng này mà không giết chết các loài động vật.
Bernard Roelen đến từ Đại học Utrecht (Hà Lan), một thành viên trong cuộc họp ở Gothenburg, cũng đang nghiên cứu các loại tế bào gốc khác nhau từ thịt lợn để xác định tế bào có khả năng tăng số lượng gấp bội trong nhiều tháng. Năm 2008, ông đã tiến hành tách một tập hợp con của các tế bào gốc. "Nếu chúng ta bắt đầu với 1000 tế bào, sau ba tháng, chúng ta sẽ có hàng tỷ tỷ tế bào khác", ông nói.
Trong khi đó, Joost Teixeira de Mattos tại Đại học Amsterdam, Hà Lan, lại đang cố gắng phát triển nguồn cung cấp dựa trên khuẩn tảo lục (khuẩn thuộc họ Cyanophyta) – loại khuẩn có khả năng tạo ra chiết xuất giàu axit amin, đường và chất béo mà tế bào động vật yêu cầu.