Tập bản đồ Mặt trăng cực chi tiết đầu tiên trên thế giới
Trước khi con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, Johannes Hevelius đã công bố tập bản đồ Mặt trăng chi tiết đến từng miệng núi lửa.
Trước khi con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, Johannes Hevelius (1611 - 1687) đã công bố tập bản đồ Mặt trăng chi tiết đến từng miệng núi lửa. Chỉ bằng đài thiên văn tự chế, ông khám phá và để lại kho tri thức mà hậu thế muôn đời thán phục.
Đam mê thiên văn
Nhà thiên văn Johannes Hevelius ở Gdańsk, Ba Lan. (Ảnh: Smithsonianmag.com).
Hevelius chào đời tại Danzig, Vương quốc Ba Lan (ngày nay là thành phố cảng Gdańsk). Gia đình Hevelius là nhà sản xuất bia nên cha của ông kỳ vọng con trai mình lớn lên trở thành thương gia, đến khi đã có thực lực kinh tế vững mạnh thì bước vào con đường chính trị và cuối cùng trở thành thị trưởng.
Theo ý nguyện của cha, Hevelius chăm chỉ học hành, sẵn sàng trở thành người quản lý công ty gia đình giỏi giang. Năm 1635, ở tuổi 24, ông kết hôn với cô gái hàng xóm giàu có, Katharine Rebeschke. Năm 1636, Hevelius gia nhập hiệp hội sản xuất bia, đến năm 1643 thì trở thành người đứng đầu hiệp hội này. Kể từ năm 1651 cho đến khi nằm xuống, Hevelius liên tục là ủy viên hội đồng thị trấn.
Tuy nhiên, công việc yêu thích nhất của Hevelius chưa bao giờ là kinh doanh hay chính trị. Kể từ thời còn đi học được giáo viên tên Peter Krüger giới thiệu về thiên văn, Hevelius đã khao khát cống hiến toàn bộ cuộc đời cho nghiên cứu các vì sao.
Để thỏa mãn mong ước khám phá thiên văn, năm 1641, Hevelius đầu tư gần như toàn bộ thu nhập từ công ty sản xuất bia của gia đình vào xây dựng đài thiên văn trên nóc 3 ngôi nhà liền kề mà ông sở hữu ở Danzig.
Tự tay Hevelius thiết kế các dụng cụ quan sát phức tạp, đặt tên cho đài thiên văn của mình là “Lâu đài Tinh tú” và biến nó thành một trong các đài quan sát thiên văn vĩ đại nhất ở châu Âu trong thời gian này. “Lâu đài Tinh tú” vang xa, khiến cả nhà thiên văn dự đoán chính xác thời gian sự trở lại của sao chổi - Edmond Halley (1656 – 1742) ở cách xa hàng trăm dặm cũng phải lặn lội tìm đến.
Trong thời đại của Hevelius, thủy triều là mối quan tâm lớn nhất. Không chỉ riêng tại Ba Lan, mà còn ở nhiều quốc gia giáp biển khác, người ta tin Mặt trăng là tác nhân của thủy triều và hiểu được Mặt trăng là con đường ngắn nhất để tìm ra phương pháp đo kinh độ trên biển.
Ngay từ đầu, mục tiêu thiên văn của Hevelius đã là lập bản đồ Mặt trăng. Sau nhiều đêm thức ngắm Mặt trăng thông qua kính viễn vọng khổng lồ tự chế, Hevelius đã vẽ được một số phác thảo và bản khắc sơ bộ. Tại Paris, thiên đường nghiên cứu thiên văn ở Pháp, Hevelius có một bằng hữu kiêm đồng hương cũng quan tâm đến việc lập bản đồ Mặt trăng là Peter Gassendi (1592 - 1655). Hevelius gửi những tấm phác thảo đầu tiên của mình cho Gassendi và được Gassendi nhiệt tình khuyến khích hãy tiếp tục.
“Trời đã phú cho cậu đôi mắt siêu việt đến mức phải được ca tụng là linh miêu nhãn”, Gassendi viết trong thư gửi lại cho Hevelius. Lời khen này khiến Hevelius nức lòng, tiếp tục thức đêm quan sát Mặt trăng và sáng ra, anh khắc lại những gì đã nhìn thấy. Cuối cùng, sau 5 năm, Hevelius hoàn thành dự án lập bản đồ Mặt trăng, ra mắt Selenography, hay Địa đồ Mặt trăng (Selenography, or A Description of The Moon) khiến toàn thế giới kinh ngạc.
Một trang trong tập bản đồ Mặt trăng của Hevelius. (Ảnh: Smithsonianmag.com)
Bản đồ Mặt trăng
Trước Hevelius, có 2 nhà thiên văn từng vẽ bản đồ Mặt trăng là Thomas Harriot (1560 – 1621, Anh) và Galileo Galilei (1564 – 1642, Ý). Tuy nhiên, bản đồ của họ đều rất sơ sài. Ngược lại, “Selenography, hay Địa đồ Mặt trăng” của Hevelius cực kỳ chi tiết và thẩm mỹ. Nó bao gồm khoảng 40 bản vẽ, mỗi trang mô tả Mặt trăng tại một giai đoạn khác nhau trong chu kỳ của nó.
Hevelius vẽ gần như chính xác bề mặt của Mặt trăng với đầy đủ các miệng núi lửa, độ dốc, thung lũng, độ tối che phủ khác nhau qua các ngày... Người am tường về Mặt trăng chỉ cần nhìn vào bản vẽ của ông là nhận ra nó mô tả trong ngày nào. Chưa hết, Hevelius còn quan sát thêm cả sao Thổ, sao Hỏa, sao Mộc - 3 tinh tú mà ông tin là “những ngôi sao cố định” và thể hiện hết lên bản vẽ.
Mỗi trang trong “Selenography, hay Địa đồ Mặt trăng” là một trang đôi, với hình Mặt trăng chiếm cả 2 trang. Tất cả các địa hình đều được Hevelius đặt tên và, vì quá nhiều, chúng khá rối loạn nên không được giới thiên văn chấp nhận.
“Hệ thống tên địa hình trên Mặt trăng của Hevelius quá phức tạp, vì ông ấy phân loại chúng dựa trên so sánh tương quan với Trái đất. Thành thử, chúng có từ lục địa đến đảo, vịnh, tảng đá, đầm…”, các nhà thiên văn đời sau giải thích.
Tuy nhiên, độ chính xác và tính thẩm mỹ của “Selenography, hay Địa đồ Mặt trăng” thì không thể chê. Suốt cả thế kỷ tiếp theo, đây vẫn là tập bản đồ Mặt trăng đáng tin cậy nhất.
Sau “Selenography, hay Địa đồ Mặt trăng”, Hevelius còn bỏ công lập danh mục hơn 1.500 ngôi sao với vị trí và khoảng cách rõ ràng. Lần này, ông không làm việc một mình mà có sự góp sức của Elisabeth Koopman, người vợ thứ 2 kém mình 35 tuổi.
Chính đam mê thiên văn là “bà nguyệt” dẫn mối Elisabeth đến với Hevelius. Đáng tiếc là vào ngày 26/9/1679, khi hai vợ chồng vắng nhà, “Lâu đài Tinh tú” bị hỏa hoạn. Từ đài thiên văn đến các ghi chú, chồng bản thảo đều bị cháy thành tro.
May mắn cho Hevelius là trước đó, con gái của ông đã cầm danh mục hơn 1.500 vì sao đem đi nơi khác cất giữ. Trải qua Cuộc vây hãm Danzig năm 1734, thậm chí cả Thế chiến II đầy bom rơi đạn lạc, danh mục này vẫn sống sót và đến năm 1971, nó hệt như “phượng hoàng tái sinh từ biển lửa”, bất ngờ xuất hiện tại Đại học Brigham Young.
Ngày nay, với công nghệ đo đạc tân tiến nhất, nhân loại đã có đến cả bản đồ 3D Mặt trăng, vũ trụ… và tất nhiên, chúng ta cũng xác nhận được các khoảng cách giữa các vì sao gần như chính xác. Thú vị là, dù chỉ bằng mắt thường và công cụ thiên văn tự chế, Hevelius cũng ước lượng được các khoảng cách không chênh lệch quá nhiều so với số liệu bây giờ. |