Thêm lợi ích của việc nghe nhạc Mozart
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng nghe nhạc Mozart trong lúc thực hiện nội soi kết tràng có thể giúp bác sĩ phát hiện các polyp tiền ung thư nhanh chóng hơn, theo trang tin Top News.
Nghiên cứu của tiến sĩ Catherine Noelle O'Shea và bác sĩ y khoa David Wolf tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe, ĐH Texas tại Houston (Mỹ), cho thấy tỷ lệ phát hiện u tuyến tăng lên khi được thực hiện có âm nhạc đi kèm so với khi không có âm nhạc.
U tuyến là một loại polyp đại tràng được xem là một tiền thân của ung thư trực kết tràng xâm lấn (CRC).
Việc chẩn đoán ung thư trực kết tràng có thể hiệu quả hơn nhờ nhạc Mozart
Khi được phát hiện sớm, bác sĩ có thể loại bỏ các polyp trong một cuộc khám nội soi, qua đó ngăn chặn sự phát triển của ung thư trực kết tràng.
Trong cuộc thử nghiệm này, 2 bác sĩ với kinh nghiệm hoàn thành ít nhất 1.000 ca nội soi đã thực hiện việc nội soi một cách ngẫu nhiên, có âm nhạc - những tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart - hoặc không có âm nhạc.
Tỷ lệ phát hiện u tuyến từ nghiên cứu này sau đó được ghi nhận và so sánh với tỷ lệ chuẩn.
“Cả hai bác sĩ nội soi đều có tỷ lệ phát hiện u tuyến cao hơn khi nghe nhạc so với tỷ lệ phát hiện chuẩn của mình”, tiến sĩ O'Shea, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Tỷ lệ phát hiện u tuyến liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc ung thư trực kết tràng, do đó nó là một chỉ số chất lượng quan trọng đối với nội soi kết tràng. Bất cứ điều gì chúng ta có thể làm để tăng tỷ lệ này lên đều có tiềm năng cứu sống người. Dù đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ nhưng kết quả của nó cho thấy tư duy vượt giới hạn - trong trường hợp này là nghe nhạc Mozart - nhằm cải thiện tỷ lệ phát hiện u tuyến có giá trị tiềm tàng như thế nào đối với bác sĩ và bệnh nhân”, ông nhấn mạnh.
Trước đó, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Tel Aviv (Israel) phát hiện việc bật nhạc Mozart cho các em bé sinh thiếu tháng nghe giúp chúng tăng cân. Điều thú vị là nhạc của Beethoven và Bach lại không có tác dụng như vậy, theo Telegraph.