Thiên thạch lớn bằng tòa nhà bay gần Trái đất
Thiên thạch khổng lồ có đường kính 140 - 310m vừa bay sát Trái đất với tốc độ nhanh gấp 20 lần đạn súng trường.
Mô phỏng tiểu hành tinh có kích thước lớn. (Ảnh: iStock).
Tiểu hành tinh mang tên 2016 CL136 tới gần Trái đất nhất vào 5h26 sáng ngày 2/2, theo Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái đất (CNEOS). Dựa theo góc quan sát, các nhà thiên văn học ước tính tiểu hành tinh này có đường kính khoảng 140 - 310 m. Ở khoảng trên của ước tính, 2016 CL136 lớn ngang tòa nhà Chrysler ở New York City hoặc tháp Eiffel Tower ở Paris, Pháp. Ở nửa dưới của ước tính, thiên thạch lớn tương đương Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập.
Trong lần tiếp cận mới, tiểu hành tinh trên bay cách Trái đất 5,3 triệu km, khoảng cách tương đối nhỏ về mặt thiên văn, gấp 14 lần khoảng cách trung bình giữa Trái đất và Mặt Trăng. 2016 CL136 di chuyển ở tốc độ 65.017 km/h, nhanh gấp 20 lần đạn súng trường, 55 lần so với vận tốc âm thanh và bằng khoảng 1/5 tốc độ của một tia sét. Các nhà thiên văn học biết rõ đường bay của 2016 CL136 và kết luận nó không có khả năng đâm vào Trái đất trong tương lai gần. Nếu một vật thể lớn cỡ 2016 CL136 đâm vào Trái đất, nó chắc chắn gây ra thiệt hại ở quy mô vùng miền.
2016 CL136 là một trong số nhiều vật thể bay gần Trái đất (NEO) và bay quanh Mặt Trời. Nhóm vật thể này bao gồm bất kỳ tiểu hành tinh hay sao chổi nào đến cách Trái đất 48 triệu km trở xuống. Tính đến nay, giới nghiên cứu đã nhận dạng khoảng 25.000 NEO, đại đa số là tiểu hành tinh. Theo NASA, không có vật thể nào trong số đó có nguy cơ đâm vào Trái đất trong thế kỷ tới.