Thiết bị giúp hươu cao cổ trắng duy nhất khỏi bị săn trộm
Nhà chức trách đeo thiết bị theo dõi GPS cho hươu cao cổ trắng duy nhất còn sống trên thế giới để ngăn chặn thợ săn trộm.
Tổ chức bảo tồn Ishaqbini Hirola Community Conservancy (IHCC) cho biết các cán bộ quản lý rừng có thể theo dõi chuyển động của con hươu cao cổ đực đơn độc theo thời gian thực thông qua thiết bị. Con hươu mắc hội chứng di truyền hiếm gặp mang tên chứng bạch thể, dẫn tới mất sắc tố da. Nó được cho là hươu cao cổ trắng cuối cùng còn sót lại, sau khi thợ săn trộm giết chết hai thành viên trong gia đình nó hồi tháng 3/2020.
Hươu cao cổ trắng đực đứng giữa đồng loại có màu lông bình thường. (Ảnh: IHCC).
Các cán bộ lâm nghiệp lo ngại con hươu cao cổ có thể chịu chung số phận với hươu cao cổ cái và con non 7 tháng tuổi cũng có bộ da màu trắng tương tự. Xác của chúng được phát hiện trong khu bảo tồn tại hạt Garissa phía đông bắc Kenya, nơi con hươu cao cổ đực đang sống một mình.
Theo IUCC, tổ chức giám sát động vật hoang dã trong khu vực, thiết bị theo dõi được gắn vào một trong những chiếc sừng của hươu cao cổ hôm 8/11. Theo thông báo hôm 17/11, tổ chức phi lợi nhuận này cho biết thiết bị theo dõi gửi cập nhật theo giờ về vị trí của con hươu cao cổ, cho phép cán bộ lâm nghiệp bảo vệ nó an toàn trước thợ săn trộm. "Khu vực gặm cỏ của con hươu cao cổ có lượng mưa tốt trong thời gian gần đây. Thảm thực vật dồi dào sẽ đảm bảo tương lai cho hươu cao cổ đực màu trắng", Mohammed Ahmednoor, quản lý của IHCC chia sẻ.
Hươu cao cổ trắng được bắt gặp lần đầu tiên ở Kenya vào tháng 3/2016, khoảng 2 tháng sau khi khi ghi nhận ở nước láng giềng Tanzania. Một năm sau, chúng lại thu hút sự chú ý lần nữa với thước phim về mẹ con hươu cao cổ tại khu bảo tồn ở hạt Garissa.
Là loài bản xứ ở hơn 15 nước, hươu cao cổ là động vật có vú cao nhất thế giới. Chúng bị thợ săn trộm săn bắn để lấy da, thịt và các bộ phận cơ thể. Khoảng 40% số lượng hươu cao cổ biến mất trong 30 năm qua, theo Quỹ Động vật Hoang dã châu Phi (AWF). Hươu cao cổ nằm trong nhóm loài dễ tổn thương trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) với số lượng ước tính trên toàn cầu là 68.293 con.