Thiết kế thành phố nổi hình lá hoa súng rộng hơn 1.800 hecta
Thành phố nổi ngoài khơi đảo Penang, Malaysia sẽ bao gồm 3 đảo nhân tạo khổng lồ, mỗi đảo có thể chứa 15.000 - 18.000 người.
Thiết kế của thành phố nổi ngoài khơi Penang. (Ảnh: Dezeen).
Công ty kiến trúc và thiết kế Đan Mạch Bjarke Ingels Group (BIG) công bố kế hoạch xây thành phố nổi mang tên BiodiverCity trong dự án hợp tác với công ty kỹ thuật Ramboll và kiến trúc sư nổi tiếng người Malaysia Hijjas bin Kasturi, Sun đưa tin. Nếu hoàn thành, dự án đồ sộ sẽ bao gồm 3 hòn đảo nổi nhân tạo với tổng diện tích 1.821 hecta, tương đương kích thước 2.550 sân bóng đá.
Các hòn đảo có hình dáng giống lá hoa súng, bao gồm nhiều quận với 5km bãi biển công cộng, 242 hecta công viên và 25km mặt nước. Mỗi hòn đảo có thể chứa khoảng 15.000 - 18.000 cư dân. Phần lớn tòa nhà được xây từ tre và bê tông xanh sản xuất từ vật liệu tái chế. Những hòn đảo sẽ nối liền qua mạng lưới giao thông tự động gồm xe tự lái và trực thăng không người lái. Điều này khiến thành phố nổi hoàn toàn không có xe hơi, thay vào đó trọng tâm là người đi bộ và đạp xe.
Mục tiêu của BiodiverCity là tạo ra một điểm đến toàn cầu giúp đưa du khách và việc làm tới Penang mà không phá hủy cảnh quan tự nhiên và đường bờ biển độc đáo của hòn đảo. Đây là một phần trong chiến lược tầm nhìn Penang 2030 của chính quyền địa phương.
Hòn đảo xây dựng đầu tiên có tên Channels, bao gồm khu "Civic Heart" dành cho chính phủ và các viện nghiên cứu. Cùng với đó là quận Cultural Coast được thiết kế để mô phỏng George Town, thành phố thủ phủ bang Penang. Ở trung tâm hòn đảo là công viên kỹ thuật số rộng 200 hecta, dành cho cư dân địa phương và du khách khám phá thế giới công nghệ, robot và thực tế ảo.
Hòn đảo thứ hai gọi là Mangroves nằm ở trung tâm của BiodiverCity. Hòn đảo sẽ bao gồm các khu thương mại và ở chính giữa đảo là Bamboo Beacon, quảng trường khổng lồ dành cho những sự kiện và hội nghị lớn. Các quận sẽ nằm quanh một loạt đầm lầy và rừng đước.
Hòn đảo cuối cùng là The Laguna giống như một quần đảo mini bao gồm 8 đảo nhỏ hơn sắp xếp xung quanh một bến du thuyền. Cư dân sẽ sống trong tổ hợp nhà nổi, nhà sàn và nhà liền kề, bao quanh là vùng đất dành cho sinh vật biển sinh sản, giúp bảo vệ động vật hoang dã bản xứ.

Công trình đê biển kỳ vĩ của Hà Lan có thể nhìn thấy từ vũ trụ
Nói đến Hà Lan, người ta thường nghĩ đến bản lĩnh và quyết tâm của người dân nơi đây trong việc chế ngự các thảm kịch do bão lũ và nước biển dâng.

9 công trình kiến trúc "để đời" của Singapore
Quốc đảo sư tử với diện tích nhỏ và số dân khiêm tốn nhưng lại là một trong những điểm thu hút khách du lịch bậc nhất Đông Nam Á. Vì sao vậy?

Trung Quốc xây đường hầm dẫn nước từ đập Tam Hiệp tới Bắc Kinh
Trung Quốc đã khởi động dự án đào đường hầm mới để đưa nước từ đập Tam Hiệp đến Bắc Kinh trong khuôn khổ kế hoạch cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Trung Quốc xây dựng thành công lò phản ứng hạt nhân vũ trụ quy mô megawatt
Theo thông tin từ Space News công bố, lò phản ứng hạt nhân công suất lớn này do Học viện Khoa học Trung Quốc thiết kế, nó có thể tạo ra 1 megawatt điện để cung cấp năng lượng cho động cơ đẩy tàu vũ trụ.

Tìm hiểu về kính viễn vọng không gian Hubble
Kính viễn vọng không gian Hubble, mang tên nhà thiên văn học Mỹ Edwin Powell Hubble lần đầu tiên được phóng lên quỹ đạo Trái Đất từ tháng 4/1990.

10 công trình kiến trúc nổi tiếng Sài Gòn
Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, bến Nhà Rồng không chỉ thu hút du khách bởi ý nghĩa lịch sử mà còn là kiến trúc đặc sắc, lâu đời.
