Thước phim hiếm về cá nhà táng sinh con
Các nhà khoa học của dự án CETI chứng kiến cá nhà táng non nhô lên mặt biển sau khi rời khỏi bụng mẹ và được cả đàn dìu dắt lúc mới chào đời.
Lần gần nhất giới khoa học quan sát cá nhà táng sinh con là năm 1986 và không có bản thu âm hay video ghi hình sự việc. Thước phim mới về hành vi của cá nhà táng trong khi sinh con có thể cung cấp hiểu biết mới cho các nhà nghiên cứu. Trong một lần quan sát định kỳ ngoài khơi Dominica hồi tháng 7/2023, Shane Gero, trưởng nhóm dự án CETI, chứng kiến ca sinh vô cùng hiếm gặp của cá nhà táng. Nhờ trang bị công nghệ tiên tiến, họ đã thu thập hình ảnh trực tiếp về sự kiện để nghiên cứu, theo National Geographic.
Quá trình cá nhà táng non ra đời. (Video: CETI).
Gero đang theo dõi cá nhà táng mẹ tên Rounder. Nó có một con non lớn tuổi hơn tên Accra. Nhờ đi theo tiếng kêu của cá nhà táng, nhóm nghiên cứu bắt gặp 11 con cá nhà táng xếp hàng quay mặt về một hướng, cố gắng giữ yên lặng khi quá trình sinh nở diễn ra.
Nhóm chuyên gia ra khơi trên hai thuyền trang bị microphone đặc biệt treo dưới đáy. Họ triển khai hai drone nhằm ghi hình cá voi trong 10 - 15 phút. Khi nghe tiếng kêu của đàn cá voi, ban đầu họ rất bối rối. Động vật biển có vú đôi khi có thể hợp lại để ghép đôi. Nhưng thay vào đó, lần này một con cá nhà táng non nhỏ bé nhô đầu lên. Microphone ghi lại tiếng đồng ca của những con cá nhà táng trong đàn. Chúng nâng con non lên mặt nước để giúp nó hút thở và giữ nó nổi trên mặt biển. Phần đuôi của con non vẫn cuộn lại như tư thế trong tử cung nên chưa thể bơi tốt.
Các nhà khoa học không rõ giới tính của cá nhà táng non, Gero hy vọng đó là con cái. Cả nhóm theo dõi đàn cá nhà táng đỡ con non trong vài giờ, nhằm đảm bảo nó có thể giữ thăng bằng. Cá nhà táng là loài có thời gian mang thai thuộc hàng lâu nhất trong vương quốc động vật (18 tháng) và thường chỉ đẻ một con non mỗi lần.
Ca sinh vô cùng hiếm gặp của cá nhà táng.
Với con đực có thể dài tới 18m, cá nhà táng vẫn là loài vật bí ẩn. Mãi tới năm 1957, giới nghiên cứu mới biết cá nhà táng phát ra âm thanh. Hiện nay, các nhà khoa học trong dự án CETI đang phân tích bản ghi âm tiếng kêu của đàn cá nhà táng trong ca sinh. Thông tin kiểu này đóng vai trò thiết yếu giúp hiểu rõ hơn về loài vật nằm trong nhóm dễ tổn thương do ô nhiễm đại dương và va chạm với tàu bè.
Thông qua thu lại tiếng kêu và phân tích, dự án CETI hướng tới giải mã hoàn chỉnh ngôn ngữ của cá nhà táng. Gero và cộng sự chủ yếu tập trung nghiên cứu quanh Dominica, nơi ở của ước tính 35 gia đình cá nhà táng. Có chưa đến 500 cá thể ở Đông Caribe, chủ yếu là cá nhà táng cái trưởng thành kèm theo vài con non.