Tìm hiểu về “máu vàng” – nhóm màu kỳ lạ và quý hiếm nhất thế giới chỉ vài chục người có
Tính từ năm 1961 đến nay mới chỉ có 43 trường hợp được xác định sở hữu loại máu vàng đặc biệt này.
Theo Odditycentral, máu vàng hay máu Rh-null là nhóm máu cực kỳ hiếm từng được xác định trong suốt 50 năm qua. Nhóm máu này không chỉ dùng để nghiên cứu mà còn dùng để truyền máu cứu người rất quan trọng. Tuy nhiên hạn chế của nó là sự khan hiếm.
Để hiểu thế nào là máu vàng, chúng ta cần hiểu cách các nhóm máu hoạt động như thế nào. Máu người có thể trông giống nhau nhưng thực tế lại rất khác nhau. Theo Hiệp hội truyền máu quốc tế, có 35 nhóm máu được công nhận nhưng quan trọng nhất vẫn là ABO và Rh. Sự kết hợp giữa các kháng nguyên A, B và RhD tạo ra 8 nhóm máu phổ biến gồm A+, A-, B+, B-, AB+, AB-, O+ và O-.
Trên bề mặt của mỗi tế bào máu có tới 342 kháng nguyên, đó là các phân tử kích thích sản sinh ra kháng thể. Và việc thiếu đi một số loại kháng nguyên nhất định là yếu tố quan trọng quyết định nhóm máu của một người.
Nhóm máu này không chỉ dùng để nghiên cứu mà còn dùng để truyền máu cứu người rất quan trọng.
Có khoảng 160 trong số các kháng nguyên này phổ biến, tức là chúng được tìm thấy trên tất cả các tế bào máu của mọi người. Nhưng nếu một ai đó thiếu đi một kháng nguyên được tìm thấy trên 99% những người còn lại thì máu của họ được coi là hiếm. Thậm chí nếu chỉ thiếu một kháng nguyên mà 99,99% người khác đều có thì máu của họ đươc coi là rất hiếm.
Các kháng nguyên thuộc hệ thống 35 nhóm máu trong đó Rh hoặc Rhesus là hệ thống lớn nhất với 61 kháng nguyên và được chia ra thành Rh- và Rh+. Trong khi Rh+ là nhóm có kháng nguyên D thì Rh- không có loại kháng nguyên này. Sẽ không có gì lạ nếu con người thiếu một trong những kháng nguyên D. Ví dụ khoảng 15% người da trắng thiếu kháng nguyên D và kháng nguyên Rh quan trọng nhất. Điều này khiến máu của họ có chỉ số Rh-. Trái ngược lại, nhóm máu Rh- ít phổ biến hơn ở người châu Á với tỷ lệ chỉ có 0,3%. Nhưng sẽ ra sao nếu một người bị thiếu tất cả 61 kháng nguyên Rh, hay nói cách khác là không có bất kỳ kháng nguyên nào thuộc hệ Rh.
Nửa thế kỷ trước, các bác sỹ tin rằng một phôi thai không có kháng nguyên thậm chí sẽ khó tồn tại chứ chưa nói đến việc phát triển thành một người khỏe mạnh. Nhưng vào năm 1961, một phụ nữ thổ dân Úc được xác định có nhóm máu Rh-null trong người. Điều đó có nghĩa rằng, cô ta thiếu tất cả các kháng nguyên trong hệ thống máu Rh. Kể từ đó đến nay chỉ có khoảng 43 người thuộc nhóm máu Rh-null được xác định.
Rh-null được gọi là "máu vàng" vì hai lý do. Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là việc nó thiếu tất cả kháng nguyên Rh. Điều đó cũng đồng nghĩa, nó có thể truyền máu được cho tất cả các nhóm máu khác và những người có máu hiếm thuốc hệ thống Rh. Đây quả thực là một điều vô cùng hiếm có.
Tiềm năng cứu sống người của nó lớn đến mức dù tên của người hiến máu luôn được giấu kín nhưng các nhà khoa học vẫn luôn theo dõi sát sao những người có nhóm máu vàng và khuyến khích họ hiến máu để cứu người. Cũng bởi sự khan hiếm của nó nên rất khó để tìm một loại máu khác thay thế.
Không chỉ cứu người, máu vàng còn đem tới những giá trị khoa học to lớn. Nó giúp các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ những bí ẩn về vai trò của hệ thống Rh đầy phức tạp.
Máu Rh-null có thể truyền được cho bất kỳ ai có nhóm máu Rh-. Nhưng những người có nhóm máu này cũng gặp phải một bất lợi không kém. Họ buộc phải tìm được những người có cùng nhóm máu Rh-null khi truyền máu. Bởi lẽ cơ thể họ chỉ tương thích với loại máu này. Nếu nhận máu từ một người có Rh+ hoặc có một trong số 61 kháng nguyên mà họ thiếu, cơ thể của người có máu vàng sẽ phản ứng với các tế bào máu tiếp nhận. Kết quả là gây ra hàng loạt các phản ứng miễn dịch dẫn tới chết người.