Tìm thấy mũi lao 13.900 năm găm trên xương voi răng mấu
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Texas A&M suy đoán thợ săn cổ đại định dùng mũi lao để làm vỡ phổi của voi răng mấu nhưng không may đâm trượt.
Mũi lao cổ nhất ở châu Mỹ được khai quật tại di chỉ Manis tại Washington, Mỹ, vào cuối thập niên 1970. Kết quả phân tích cho thấy người cổ đại đẽo mũi lao từ xương đùi voi răng mấu, họ hàng tiền sử của loài voi. Mũi lao Manis găm bên trong xương sườn của một con voi răng mấu. Đây là bằng chứng trực tiếp lâu đời nhất về hành vi săn loài vật này ở châu Mỹ.
Phục dựng hình dáng mũi lao Manis 13.900 năm tuổi. (Ảnh: Michael Waters).
Michael Waters, giáo sư nhân chủng học ở Đại học Texas A&M và cộng sự sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính và phần mềm 3D để phân tách mọi mảnh xương và phóng to hình ảnh gấp 6 lần. Sau đó, họ ghép hình ảnh lại để tìm hiểu hình dáng của mẫu vật trước khi găm vào xương sườn. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sciences Advances hôm 1/2.
Mũi lao do thợ săn cổ đại ném vào con voi răng mấu đâm xuyên qua lớp da và mô, cuối cùng trúng xương sườn. Người thợ săn muốn đâm lao vào giữa xương sườn và làm vỡ phổi con vật nhưng bị trượt. Trước đó, Waters và cộng sự xác định niên đại chiếc xương sườn trong nghiên cứu công bố vào năm 2011 trên tạp chí Science.
Với niên đại 13.900 năm, mũi lao Manis ra đời sớm hơn ít nhất 900 năm so với mũi lao bằng đá Clovis cũng do Waters nghiên cứu. Mũi lao Clovis được phát hiện ở Texas, có niên đại 12.750 - 13.050 năm. Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu, người dân ở nền văn minh Clovis là những cư dân đầu tiên của châu Mỹ, từ Siberia vượt qua eo biển Bering đến Alaska vào kỷ Băng Hà cuối cùng.
Việc sử dụng vũ khí như mũi lao Manis và nhiều công cụ bằng đá khác trên khắp Bắc Mỹ chứng tỏ những người tiến vào và khám phá châu Mỹ sớm nhất mang theo những công nghệ và dụng cụ đa dạng, giúp họ thích nghi với môi trường địa phương và sinh tồn.