Tìm thuốc giải nọc độc rắn nhờ công nghệ phát hiện kháng thể HIV
Các nhà khoa học ở Anh đang nghiên cứu một loại thuốc giải độc phổ quát chống lại nọc độc của bất kỳ loài rắn nào sống ở châu Phi hoặc Ấn Độ, giúp giảm đáng kể số ca tử vong do rắn cắn.
Nghiên cứu này đang được kỳ vọng có thể giúp thay đổi hoàn toàn cách thức xử lý các trường hợp bị rắn cắn trên toàn cầu, bởi những loại thuốc sẵn có hiện nay mới chỉ có tác dụng chống lại nọc độc của một số lượng nhỏ trong số 250 loài rắn độc khác nhau, trong khi sự đa dạng của các loại nọc độc rắn chết người vẫn đang đặt ra không ít những thách thức cho các nhân viên y tế trên toàn cầu.
Tìm thuốc giải nọc độc rắn nhờ công nghệ phát hiện kháng thể HIV. (Ảnh minh họa).
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Robert Harrison tới từ Trường Dược Nhiệt đới Liverpool (Anh) đang tích cực phát triển, thử nghiệm phương pháp điều trị rắn cắn hoàn toàn mới, bằng cách sử dụng cùng công nghệ đã phát hiện ra kháng thể HIV.
Giáo sư Harrison cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng phát triển một phương pháp điều trị hoàn toàn mới đối với các trường hợp bị rắn cắn, có hiệu quả đối với nọc độc của tất cả các loài rắn ở khu vực châu Phi cận Sahara và Ấn Độ. Ở châu Phi cận Sahara, 32.000 người chết vì rắn cắn mỗi năm, trong khi ở Ấn Độ, con số này rơi vào khoảng 46.000 người, tương đương một nửa số người chết vì HIV”.
Hiện tại, các loại thuốc chống nọc độc rắn có sẵn trên thị trường chủ yếu được thực hiện bằng cách chiết xuất nọc độc từ chính những con rắn, trước khi một liều rất nhỏ, vô hại từ nọc độc rắn được tiêm vào loài ngựa vốn có khả năng miễn dịch với nọc độc. Điều này kích thích phản ứng miễn dịch của ngựa để tạo kháng thể và để có được lượng kháng thể đủ dùng trong điều chế thuốc chữa rắn cắn, thì nọc độc rắn phải được tiêm cho ngựa vài lần trong một năm, trong khoảng thời gian kéo dài vài năm.
Đây sẽ là một quá trình dài và tốn kém, không dễ thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những vùng nghèo nhất ở Châu Phi và Ấn Độ, nơi rất khó khăn để tiếp cận với các loại thuốc giải độc. Tuy nhiên, hướng đi mới trong việc tìm ra phương pháp chữa trị hứa hẹn đem lại hiệu quả cao, được áp dụng với nhiều nọc độc rắn khác nhau đã được đưa ra sau khi một nhà khoa học về HIV người Mỹ trực tiếp liên hệ với giáo sư Harrison gợi ý nhóm của ông này tiến hành nghiên cứu tìm kháng thể chữa vết thương do rắn cắn dựa trên phương pháp xác định các chủng kháng thể khác nhau chống lại virus HIV.
Nghiên cứu do nhóm của ông Harrison thực hiện bước đầu đã mang lại những kết quả khá khả quan, song giáo sư Harrison cho biết, việc tạo ra một loại thuốc giải độc thành công sẽ cần khoảng 4-5 năm làm việc tiền lâm sàng, sau đó thêm ít nhất 3 năm nữa để sản xuất và thử nghiệm lâm sàng.