Tín hiệu vũ trụ lặp lại theo chu kỳ 157 ngày
Các nhà thiên văn học đo được tín hiệu FRB 121102 là chớp sóng vô tuyến thứ hai truyền từ không gian sâu tới Trái Đất theo chu kỳ lặp lại.
Mô phỏng tín hiệu FRB 121102. (Ảnh: CNN).
Sử dụng kính viễn vọng Lovell, nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu là các nhà thiên văn học ở Đài quan sát Jodrell Bank gần Goostrey, Cheshire, Anh, nghiên cứu chớp sóng vô tuyến (FRB), những xung vô tuyến cực sáng xuất hiện trong thời gian rất ngắn. Dựa theo dữ liệu từ những quan sát đã công bố trước đây, họ phát hiện tín hiệu FRB 121102 lặp lại theo chu kỳ 157 ngày. Phát hiện này cung cấp gợi ý quan trọng giúp xác định nguồn gốc của chớp sóng vô tuyến. Sự tồn tại của chớp sóng thường xuyên lặp lại có thể liên quan tới chuyển động của một ngôi sao khổng lồ, sao neutron hoặc hố đen, theo tiến sĩ Kaustubh Rajwade ở Đại học Manchester, trưởng nhóm nghiên cứu.
FRB lặp lại có thể được lý giải bởi sự tiến động trục (có thể hiểu là hiện tượng lắc lư) của một ngôi sao neutron. Nhưng với dữ liệu hiện nay, các nhà khoa học cho rằng rất khó để lý giải chu kỳ 157 ngày của FRB 121102. Sự tồn tại của FRB mới được phát hiện vào năm 2007. Ban đầu, giới nghiên cứu cho rằng chúng là những sự kiện chỉ xảy ra một lần và liên quan tới biến động lớn như ngôi sao phát nổ. Tuy nhiên, tín hiệu FRB 180916.J10158+56 đã làm thay đổi suy đoán trên. Được ghi nhận bởi kính viễn vọng CHIME ở Canada, FRB 180916.J10158+56 lặp lại theo chu kỳ 16,35 ngày. Tương tự, FRB 121102 được phát hiện qua kính viễn vọng vô tuyến Arecibo ở Puerto Rico vào ngày 2/11/2012 và có chu kỳ lặp lại là 157 ngày. Rajwade và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
"Phát hiện thú vị này cho thấy những gì chúng ta biết về nguồn gốc của FRB ít ỏi tới mức nào. Chúng ta cần những quan sát khác với số lượng FRB lớn hơn để có cái nhìn rõ nét hơn về nguồn phát tín hiệu tuần hoàn", Duncan Lorimer, Phó chủ nhiệm Khoa Vật lý Thiên văn ở Đại học West Virginia, nhấn mạnh.