Tình trạng căng thẳng bệnh cúm chim H9N2 có thể bùng phát thành đại dịch
Nghiên cứu mới cho thấy những thay đổi ở virus cúm H9N2 có thể làm cho nó có khả năng lây truyền sang người.
Các nhà dịch tễ học có thể tìm kiếm những thay đổi bất thường ở virus cúm chim như nguồn khởi phát đại dịch cúm trên toàn thế giới trong tương lai gần. Nghiên cứu mới cho thấy chỉ cần một vài thay đổi, virus cúm chim H9N2 có thể lây truyền sang người.
“Chủng virus H9 có thể là kẻ nguy hiểm thầm lặng không được chú ý cho đến khi mọi việc quá muộn”, theo Daniel Perez, nhà virus học tại Đại học Maryland, College Park.
Perez và đồng nghiệp đã phân tích tiềm năng gây đại dịch của chủng virus cúm H9 ở chồn sương, để nghiên cứu khả năng lây truyền của H9 sang người. Nhóm nghiên cứu nhận thấy chỉ với một thay đổi đơn lẻ trong thành phần hóa học xây dựng lên khối protein hemagglutinin cũng có thể giúp virus bám chắc vào tế bào và có thể giúp chúng lây truyền nhiều hơn ở chồn sương. Khả năng chia sẻ và kết hợp với gene của virus cúm người cũng làm tăng khả năng lây truyền và có thể làm chủng virus H9 trở nên nguy hiểm lên rất nhiều, theo công bố của các nhà nghiên cứu ngày 13 tháng 8, xuất bản trực tuyến trên Tạp chí PLoS ONE(*).
Nghiên cứu ở chồn sương cho thấy H9 chưa trở thành virus có khả năng sinh tồn được trong không khí nhưng tương lai điều này có thể xảy ra.
Theo nhà khoa học chuyên nghiên cứu cấu trúc virus, Chang-Won Lee, Đại học Ohio tại Wooster, nhiều nghiên cứu gần đây đưa ra những cảnh báo về nguy cơ gây bùng phát đại dịch trong tương lai từ virus H5N1 và chủng virus gây bệnh cúm chim H7. Nhưng nhiều bằng chứng thực tế cho thấy chủng virus H9 có thể gây nên đại dịch trong tương lai, Lee cho biết.
Bệnh cúm ở loài chim gây bởi chủng virus H9 đang diễn ra phổ biến trong các đàn chim di cư ở châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Chủng virus này không làm chim bị ốm nên thường không được để ý. Một vài người hoặc vật nuôi như lợn đã bị nhiễm chủng virus này nhưng chúng chỉ gây ốm nhẹ ở người, trong chừng mực không được nhận biết có thể gây lây lan rộng từ người này sang người nọ. Nhưng theo kết quả nghiên cứu của Perez, chủng virus H9 chỉ có thể bắt đầu lan rộng trong cộng đồng dân cư khi có những thay đổi thích đáng.
“Để gây ra đại dịch ở người thì virus phải có đặc tính lây truyền”, Peter Palese, nhà khoa học virus tại Trường y khoa Mount Sinai, New York cho biết. Khả năng sinh sản và lan truyền trong không khí là điều kiện thiết yếu để virus có thể gây nên đại dịch ở người, cho nên kết quả nghiên cứu mới này như “chiếc cốc rót đầy một nửa”, Palese nói.
Ngay cả khi chủng virus H9 có được khả năng lan truyền rộng trong cộng đồng, nhiều khả năng biểu hiện cơ bản chỉ là trạng thái ốm nhẹ. “Sẽ có hàng đống người cảm thấy sức khỏe không tốt lắm, như bề mặt trái đất mất đi một vài giọt nước”, Raymond Pickles, nhà nghiên cứu tế bào tại Đại học Nam Carolina, Chapel Hill. Nhưng dữ liệu mới chỉ ra rằng khi chủng virus H9 trao đổi gen với các chủng virus khác ở người - điều thường xảy ra trong tự nhiên - có thể trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều.
Trong khi rất nhiều nhà dịch tễ học coi virus chết người H5N1 nằm ở vị trí cao nhất trong mối bận tâm của họ, Robert G. Webster, nhà khoa học lãnh đạo những nghiên cứu về bệnh cúm tại Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude ở Memphis, Tenn, quan niệm H9N2 nằm trong “nhóm gây bệnh cúm chết người”.
Chủng virus H9 là “kẻ gây bệnh cúm chưa thức giấc”. “Chúng có thể gây nên rất nhiều tình trạng nan giải hơn những gì chúng tôi thấy rõ”, Webster nói.
Chú thích:
(*): PLoS ONE (eISSN-1932-6203) ra đời cuối năm 2006 dưới dạng tạp chí điện tử, đăng tải các công trình nghiên cứu ở mọi lĩnh vực khoa học. Hiện nay, PLoS ONE là một trong 7 ấn phẩm điện tử của Nhà xuất bản Thư viện Khoa học (The Public Library of Science - PLoS). PLoS thành lập đầu năm 2001, vận hành trên nền tảng công nghệ Web 2.0 với ý tưởng “truy cập mở” táo bạo: cho phép người dùng được truy cập toàn văn miễn phí và có thể tái sử dụng những kết quả nghiên cứu đã đăng trên http://www.plos.org.