Tokyo nhân rộng "nhà thờ lớn" dưới lòng đất để tránh ngập lụt do biến đổi khí hậu
Mưa bão ngày càng dữ dội do biến đổi khí hậu buộc nhà chức trách Nhật Bản phải tiến hành mở rộng mạng lưới đường hầm dẫn nước lũ bên dưới Tokyo.
Ngay sau 5 giờ sáng ngày 30/8, nước bắt đầu tràn vào hầm chứa khổng lồ dưới lòng đất có biệt danh "Nhà thờ lớn" ở phía bắc Tokyo. Dòng nước ồ ạt mà camera an ninh ghi hình là nước mưa trút xuống thủ đô Tokyo khi bão Shanshan đổ bộ vào vùng tây nam Nhật Bản ở cách đó 600 km, theo Reuters. "Nhà thờ lớn" và mạng lưới đường hầm rộng lớn đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ lưu vực sông ở siêu đô thị khỏi ngập lụt. Nhưng trong tình hình ấm lên toàn cầu khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, nhà chức trách cần phải tiến hành nâng cấp hệ thống.
"Khi nhiệt độ tăng lên, lượng hơi nước trong khí quyển tăng theo, dẫn tới lượng mưa lớn hơn", giáo sư Seita Emori ở Đại học Tokyo, thành viên nhóm khoa học khí hậu từng đoạt giải Nobel năm 2007, cho biết. "Chúng tôi dự đoán lượng mưa chưa từng thấy sẽ rơi xuống khi nhiệt độ tiếp tục tăng trong tương lai".
Các cột trụ trong hệ thống đường hầm chống lũ bên dưới Tokyo. (Ảnh: CBS).
Nhật Bản thường xuyên gặp phải nhiều thiên tai, từ động đất, phun trào núi lửa, mưa bão tới sạt lở đất. Quốc gia này đang đương đầu với thời tiết cực đoan chưa từng có do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Mùa hè năm nay là mùa hè nóng nhất từ năm 1898 trong khi lượng mưa kỷ lục ở miền bắc gây ra thảm họa ngập lụt hồi tháng 7. Tại Tokyo, những cơn bão dữ dội và bất ngờ mang tên "guerrilla" đang trở nên ngày càng phổ biến.
Tổ hợp "Nhà thờ lớn" có tên chính thức là Kênh xả nước dưới lòng đất vùng ngoại vi siêu đô thị, mất 13 năm và 1,63 tỷ USD để xây dựng. Từ khi hoạt động năm 2006, hệ thống đã ngăn chặn hơn 1,06 tỷ USD thiệt hại do ngập lụt gây ra. Tổ hợp giống hang động có khả năng chứa lượng nước tương đương gần 100 bể bơi Olympic. Bên trong tổ hợp là 59 cột trụ khổng lồ, mỗi cột nặng 551 tấn và cao 18 m. Khi những con sông gần đó bị tràn, nước lũ sẽ được qua 6,3 km đường hầm dưới lòng đất trước khi tập trung ở hồ chứa.
Đi qua 6 tầng tới đáy hầm chứa là một trải nghiệm đặc biệt. Hệ thống có vi khí hậu, mát hơn nhiều so với mặt đất vào mùa hè và ấm áp hơn vào mùa đông. Những đám mây sương che khuất đỉnh cột. Không gian tối tăm được chiếu rọi bởi ánh sáng tự nhiên lọt qua khe hở ở trần hầm. Các cột trụ cao sừng sững gợi nhắc tới công trình thời cổ đại, dẫn tới biệt danh "Nhà thờ lớn". Hầm số 1 sâu và rộng đến mức có thể chứa vừa tượng Nữ thần Tự do.
Hệ thống được kích hoạt 4 lần trong tháng 6, nhiều hơn tổng số lần hoạt động năm ngoái. Trong bão Shanshan, công trình thu thập đủ nước để lấp đầy gần 4 sân vận động Tokyo Dome trước khi đổ an toàn ra sông Edogawa và ra biển. "So với những năm trước, lượng mưa lớn có xu hướng trút xuống cùng một lúc", Yoshio Miyazaki, cán bộ tại Bộ đất đai phụ trách tổ hợp đường hầm, chia sẻ. "Nếu hệ thống này không tồn tại, mực nước của sông chính Nakagawa và các phụ lưu sẽ cao hơn nhiều, dẫn tới nhà cửa ngập lụt, thậm chí thiệt hại về sinh mạng".
Ngay cả như vậy, hệ thống không thể ngăn chặn ngập lụt với hơn 4.000 ngôi nhà ở lưu vực sông sau đợt mưa bão nặng nề hồi tháng 6/2023. Trận ngập lụt đó thôi thúc nhà chức trách tiến hành dự án kéo dài 7 năm trị giá 250 triệu USD nhằm gia cố đê đập và thoát nước trong khu vực. Gần trung tâm Tokyo hơn, một dự án lớn khác cũng đang diễn ra nhằm nối các kênh dẫn nước tràn bờ từ sông Shirako và Kanda. Khi hoàn thành vào năm 2027, hệ thống sẽ dẫn nước lũ qua 13 km dưới lòng đất ra vịnh Tokyo.
Mạng lưới cống của Tokyo được thiết kế để xử lý lượng mưa lên tới 75 mm mỗi giờ, nhưng số cơn bão cục bộ ngày càng tăng có thể mang tới 100 mm nước mưa, khiến hệ thống quá tải, theo Shun Otomo, quản lý công trường xây dựng ở Tokyo. "Ví dụ, có một cơn mưa tầm tã trút xuống lưu vực sông Kanda, chúng tôi có thể tận dụng khả năng thấm nước ở khu vực không mưa", ông nói.