Tổng quan về Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc
Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 là trạm không gian đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được mong đợi là sẽ làm cơ sở cho việc thử nghiệm phát triển các trạm không gian có kích cỡ lớn hơn.
Thiên Cung 1 được phóng bởi một tên lửa đẩy Trường Chinh 2FT1, vào ngày 29/9/2011. Đây là một phần trong chương trình trạm không gian Thiên Cung, còn được biết đến với tên gọi Dự án 921-2, nhằm mục đích xây dựng một trạm không gian lớn và có người ở bán thường xuyên trên quỹ đạo vào năm 2020.
Trạm vũ trụ Thiên Cung 1 được dự đoán rơi xuống Trái đất trong năm nay.
Thiên Cung 1 là một "module thí nghiệm không gian" có trọng lượng 8,5 tấn (19.000 lb), có khả năng lắp ghép với tàu vũ trụ có người lái và tự hoạt động. Các tàu vũ trụ Thần Châu 8, Thần Châu 9 và Thần Châu 10 dự kiến sẽ ghép nối với Thiên Cung một trong hai năm hoạt động của trạm.
Thiên Cung 1 được trang bị thiết bị thể dục và hai phòng ngủ. Các bức tường bên trong của module được sơn hai màu, một màu biểu thị cho mặt đất và màu còn lại biểu thị cho bầu trời. Điều này sẽ giúp các phi hành gia trên các trạm không gian sau này giữ được định hướng trong môi trường không trọng lượng.
Trạm vũ trụ này cung cấp module mục tiêu cho việc thí nghiệm ghép nối trên vũ trụ, bước đầu xây dựng lên mặt bằng thí nghiệm vũ trụ vận hành trên quỹ đạo không có người trong thời gian dài và có người trong thời gian ngắn, nhằm tích lũy kinh nghiệm cho việc nghiên cứu chế tạo trạm vũ trụ, tiến hành thí nghiệm khoa học, thực nghiệm y học và thí nghiệm công nghệ vũ trụ.
Năm 2016, Trung Quốc mất quyền kiểm soát trạm này và dự kiến sẽ sớm rơi trở lại Trái đất vào năm 2018. Cơ quan vũ trụ châu Âu cùng 13 cơ quan khác trên thế giới đang theo dõi sát sao Thiên Cung 1 để đưa ra dự báo chính xác vị trí trạm này rơi xuống Trái đất.