Trạm Vũ trụ Quốc tế bay ngang qua vết đen Mặt trời rộng bằng Trái đất
Thierry Legault, nhiếp ảnh gia thiên văn người Pháp, dùng kính viễn vọng để ghi hình Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bay qua phía trước Mặt trời hôm 9/6.
Trạm ISS bay qua các cụm vết đen Mặt trời. (Video: Thierry Legault).
Với tốc độ khoảng 28.000km/h, ISS hoàn thành một vòng quanh Trái đất trong 90 phút hoặc lâu hơn, nhưng chỉ bay qua phía trước Mặt trời trong khoảng 0,75 giây. Do đó, việc ghi hình với độ phân giải cao như Legault cực kỳ khó, Business Insider hôm 14/6 đưa tin.
"Quá trình bay ngang qua kéo dài chưa đầy một giây", Legault cho biết. Anh đã may mắn ghi hình được khoảnh khắc này khi 45 phút sau, một đám mây lớn kéo đến che khuất Mặt trời.
Trong thước phim, trạm ISS bay qua phía trước ba cụm vết đen Mặt trời, một trong số đó đủ lớn để nuốt chửng Trái đất. Vào thời điểm này, các phi hành gia Stephen Bowen và Warren Hoburg của NASA cũng vừa bước ra ngoài trạm để lắp đặt các pin năng lượng Mặt trời mới.
Trạm ISS bay qua phía trước ba cụm vết đen Mặt trời.
Trong video, ISS trông như ở rất gần Mặt trời, nhưng thực tế khoảng cách vô cùng xa. ISS quay quanh Trái đất ở độ cao khoảng 400km, trong khi Mặt trời cách xa tới 150 triệu km.
Vết đen trông tối màu vì chúng nguội hơn các vùng khác trên bề mặt Mặt trời, theo NASA. Các vết đen nguội hơn do chúng hình thành ở nơi từ trường mạnh cản trở nhiệt từ bên trong Mặt trời lan tới bề mặt. Tại các vết đen, từ trường không ổn định và có thể kích hoạt lóa Mặt trời - vụ nổ mạnh giải phóng năng lượng và các hạt tốc độ cao vào không gian. Lóa Mặt trời có thể tạo ra cực quang ấn tượng nhưng cũng làm gián đoạn sóng vô tuyến trên Trái đất. Lóa Mặt trời mạnh thậm chí có thể tác động tới vệ tinh, các hệ thống liên lạc, lưới điện và nghiêm trọng nhất là gây thiếu điện hoặc mất điện.
Theo NASA, các hạt mang điện từ lóa Mặt trời cũng có thể gây ra một số rủi ro về bức xạ cho phi hành gia, đặc biệt là khi họ rời khỏi trạm ISS để thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian. Do đó, các nhà khoa học vẫn cẩn thận theo dõi lóa Mặt trời và NASA có thể hủy bỏ những chuyến đi bộ không gian trước khi các hạt này lan đến gần Trái đất để đảm bảo an toàn cho phi hành gia.

Phát hiện thế giới khác đầy "tuyết" rơi ngay bên trong lòng Trái đất
Các tín hiệu kỳ lạ từ nơi sâu thẳm bên trong lòng Trái đất đã giúp các nhà khoa học xác định một thế giới không tưởng, sâu 3.000km bên dưới bề mặt, nơi tuyết giàu silicon đang rơi.

Mất bao nhiêu năm để khám phá vũ trụ khi di chuyển với tốc độ ánh sáng?
Tốc độ ánh sáng tương đương 299.792.458 m/s được xem là giới hạn tốc độ tối đa được tiết lộ bởi thuyết tương đối của Einstein.

Kính viễn vọng Hubble phát hiện "quái vật vô hình" nặng bằng 20 triệu Mặt trời
Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA đã vô tình chụp được hố đen 'chạy trốn' với khối lượng siêu lớn đang lao nhanh trong không gian, tạo ra vệt sao dài gấp đôi dải Ngân Hà.

Năm ánh sáng là gì? Một năm ánh sáng bằng bao nhiêu km?
Năm ánh sáng là đơn vị đo thông dụng ngoài vũ trụ bao la, rộng lớn. Và người ta thường nhầm lẫn nghĩ rằng đây là đơn vị đo thời gian.

Tháng 1 năm 2023: "Bạn của loài người tuyệt chủng" trở lại sau 50.000 năm
Trên bầu trời Trái Đất tháng 1-2023, lần đầu tiên sau 50.000 năm, một vật thể ma quái có thể được loài người nhìn thấy rõ bằng mắt thường.

Tìm thấy những ngôi sao "ma" lang thang khắp nơi hàng tỉ năm
Kính viễn vọng Hubble phát hiện nhiều ngôi sao "ma" trong các thiên hà khổng lồ. Chúng lang thang như những linh hồn lạc lối, với ánh sáng mờ ảo ma quái.
