Trận chiến giữa hai "quái vật" răng kiếm hơn 250 triệu năm trước
Chiếc răng cắm trong hộp sọ của một sinh vật có răng kiếm hé lộ những thông tin mới về trận chiến nghi thức cổ xưa.
Cuộc chiến giữa những gorgonopsian, nhóm động vật răng kiếm ăn thịt sống cuối kỷ Permi (299 - 251 triệu năm trước), có thể nhằm tranh giành lợi ích như quyền thống trị, bạn tình hoặc lãnh thổ và không mang tính giết chóc. Các nhà nghiên cứu phát hiện điều này sau khi phân tích vết cắn đã lành trên hộp sọ gorgonopsian được phát hiện gần Cape Town, Nam Phi, Live Science hôm 10/11 đưa tin.
Hộp sọ gorgonopsian tồn tại từ giữa kỷ Permi. (Ảnh: Julien Benoit)
Vết cắn trên mõm con vật vẫn còn một chiếc răng cắm bên trong. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thấy vết thương dạng này ở gorgonopsian. Tên gọi gorgonopsian bắt nguồn từ quái vật Gorgon trong thần thoại Hy Lạp.
Nhà cổ sinh vật học Lieuwe Dirk Boonstra tìm thấy hộp sọ và hàm dưới của gorgonopsian ở Karoo, khu vực bán hoang mạc của Nam Phi, năm 1940. Tuy nhiên, đến năm nay các nhà nghiên cứu mới phát hiện vết cắn. Họ nhận thấy hộp sọ đã lành sau nhát cắn dữ tợn nên con vật không chết ngay vì vết thương này.
Dựa vào tốc độ lành thương tích của động vật có vú, nhóm nghiên cứu xác định rằng con gorgonopsian bị thương đã sống thêm 2 - 9 tuần. Không có dấu hiệu nhiễm trùng nên vết cắn không phải nguyên nhân cuối cùng dẫn đến cái chết của con vật.
Các loài thuộc nhóm gorgonopsian có kích thước tương đương từ mèo đến hà mã. Mẫu hộp sọ dùng trong nghiên cứu mới không thuộc giai đoạn cuối kỷ Permi mà thuộc giai đoạn giữa, nghĩa là trước khi gorgonopsians trở thành những động vật săn mồi thống trị, theo Julien Benoit, nhà nghiên cứu cổ sinh vật tại Viện Nghiên cứu Tiến hóa thuộc Đại học Witwatersrand.
Trong thời kỳ này, anteosaur, nhóm động vật ăn thịt chân ngắn và răng nanh lớn, đang tung hoành trên Trái Đất. Con gorgonopsian mà nhóm chuyên gia nghiên cứu là động vật ăn thịt tương đối lớn trong thế giới của những quái vật khổng lồ. Anteosaur có răng lớn nên có thể dễ dàng nghiền nát hộp sọ của gorgonopsian. Do vậy, họ cho rằng nó không phải thủ phạm.
"Điều này khiến chúng tôi đặt giả thuyết rằng một con gorgonopsian đã cắn nó, không phải để giết mà để xác nhận sự thống trị trong một trận chiến nghi thức", Benoit cho biết.
Minh họa một con gorgonopsian cắn vào mặt đồng loại. (Ảnh: Morgan Hopf)
Ngày nay, các loài bò sát và động vật có vú trưởng thành, đặc biệt là động vật ăn thịt, sử dụng hành vi cắn để khẳng định quyền thống trị, thúc đẩy giao phối và rụng trứng, tranh giành bạn tình, lãnh thổ, quyền sinh sản.
"Khác với vết cắn của kẻ đi săn nhằm giết chết con mồi, hành vi cắn vào mặt mà không gây chết chóc là kết quả thường thấy của những trận chiến nghi thức như vậy. Với chúng tôi, điều này cho thấy thủ phạm là một con gorognopsian khác cùng loài. Kết luận này cũng phù hợp với kích thước của chiếc răng", Benoit nói.
Gorgonopsian là động vật săn mồi có răng kiếm đầu tiên được ghi nhận. Tuy nhiên, chiếc răng gãy cắm trong hộp sọ không phải răng kiếm mà có thể là răng cửa bên, răng nanh hoặc răng sau răng nanh. Phát hiện mới cho thấy những hành vi phức tạp như cắn không chỉ tồn tại ở động vật có vú và khủng long, mà xuất hiện sớm và phổ biến hơn những gì giới khoa học từng nghĩ.

Khủng long có họ với... gà?
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện phần mô mềm trên đỉnh đầu của loài khủng long Edmontosaurus tại Canada và thấy sự tương đồng với phần mào của loài gà ngày nay.

Người thượng cổ biến đổi gen lúa nước từ 10.000 năm trước
Một nghiên cứu vừa được công bố chứng tỏ, người thượng cố cách đây 10.000 năm là “nhà khoa học” biến đổi gen lúa nước ngày nay.

Chuyện li kỳ về 10 bảo vật vô giá của Trung Quốc
Rác trong mắt bạn lại là một kho báu quý giá trong mắt người khác.Tại Trung Quốc, đã từng có vô số cổ vật, thậm chí là bảo vật Quốc gia lưu lạc trong dân gian, bị coi là rác, là phế vật.

Nguồn gốc thực sự của Bức tường thành Jerusalem
Lịch sử của một trong những địa điểm linh thiêng nhất thế giới đối với cả người Do Thái và người Hồi Giáo có lẽ sẽ phải được viết lại sau một khám phá bất ngờ của các nhà khảo cổ Israel.

Thủy quái Leviathan không còn là huyền thoại
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện những dấu tích hóa thạch của một con cá voi cổ đại với bộ răng to lớn đáng sợ.

Bí ẩn về những năm cuối cùng của voi ma mút
Một nhà nghiên cứu người Hà Lan đã xem xét hàm của voi răng mấu thời tiền sử. Hóa thạch 2,5 triệu tuổi này có thể cung cấp hiểu biết về nguyên nhân tuyệt chủng của voi nguyên thủy.
