Trăng trung thu màu cam: Cú lừa lịch sử về ảo ảnh Mặt trăng
Thật ra bạn có thể nhìn thấy khoảnh khắc Mặt trăng mang ánh sáng màu cam hồng... mỗi tháng và tháng 9-2022 không phải tháng thuận lợi để quan sát ảo ảnh Mặt trăng to đẹp, bởi nó nhỏ hơn nhiều so với trăng tháng 5, 6, 7, 8.
"Trăng Thu Hoạch màu cam cháy" mọc vào tháng 9 là một huyền thoại phổ biến từ lâu ở các nước phương Tây, cũng được đón đợi như "Trăng Hồng" tháng 4. Tuy nhiên một sự thật là Mặt trăng không hề đổi màu như người ta mong đợi.
Theo Earth Sky, Mặt trăng hàng tháng đều có thể quan sát trong một khoảnh khắc với màu ngả sang cam hồng, miễn là bạn canh được hiện tượng "ảo ảnh Mặt trăng".
Ảnh đồ họa mô tả hiện tượng "ảo ảnh Mặt trăng", khi lớp khí quyển đóng vai trò như thấu kính lẫn lăng kính, khiến Mặt trăng càng ở dưới thấp (mới mọc hoặc sắp lặn) sẽ to hơn và đỏ hơn - (Ảnh: BBC SKY AND NIGHT MAGAZINE).
"Ảo ảnh Mặt trăng" xảy ra khi trăng vừa lên mỗi hoàng hôn, hoàn toàn là một hiện tượng vật lý thường tình. Màu cam hồng này là do khi Mặt trăng còn ở dưới thấp phía đường chân trời, bạn đang nhìn nó qua một lớp khí quyển dày hơn. Trăng càng lên cao, lớp khí quyển bạn phải nhìn xuyên qua càng mỏng dần.
Chính lớp khí quyển dày tạo ra hiệu ứng khiến Mặt trăng đỏ hơn thường lệ một chút, thường ở màu cam hồng nhạt.
"Điều đó không liên quan gì đến Trăng Thu Hoạch (tức trăng tháng 9). Mặt trăng và Mặt Trời đều trông đỏ hơn khi chúng ở gần đường chân trời. Lý do cho điều này là vì chúng ta đang nhìn thấy chúng qua độ dày tối đa của khí quyển, nơi hấp thụ ánh sáng xanh và truyền ánh sáng đỏ" - Giáo sư danh dự John Percy của Khoa thiên văn và vật lý thiên văn, Đại học Toronto - Canada, giải thích trong bài phân tích đăng tải trên PHYS.
Chưa kể lớp khí quyển này còn mang giá trị như một thấu kính, khiến Mặt trăng được phóng to hơn thường lệ.
Trăng tháng 9 được người phương Tây gọi là Trăng Thu Hoạch bởi gắn liền với mùa thu hoạch, một mùa rất thuận lợi để những người nông dân có thể nhìn về phía đường chân trời.
Chính truyền thuyết "Trăng Thu Hoạch màu cam cháy" khiến mọi người đón đợi khoảnh khắc trăng vừa lên, nên nhiều người sẽ được chiêm ngưỡng ảo ảnh Mặt trăng thay vì bỏ qua như các tháng khác, rồi lầm tưởng nó đổi màu.
Dưới góc độ thiên văn, trăng gần thời điểm thu phân hay xuân phân sẽ tròn hơn thường lệ theo góc nhìn từ Trái đất, tuy nhiên với mắt thường, bạn sẽ không thể nhận thấy khác biệt.
Với năm 2022, tháng 9 lại không phải là thời điểm có thể quan sát ảo ảnh Mặt trăng hay trăng tròn to đẹp nhất năm, bởi trăng tháng 9 tuy vẫn nằm trong quãng gần Trái đất trong quỹ đạo elip, nhưng không đạt được tới mức "siêu trăng" như các siêu trăng tháng 5, 6, 7, 8.
Điều này có nghĩa trăng tháng 9 sẽ nhỏ hơn trăng của 4 tháng trước đó.
Nếu muốn quan sát Mặt trăng có màu cam đỏ lên cao giữa trời đêm, bạn chỉ có một cách duy nhất là chờ đợi nguyệt thực, tức hiện tượng "trăng máu".
"Cú lừa" nho nhỏ của lịch sử này cũng thường xảy ra với Trăng Hồng, tức trăng tháng tư, được đặt tên theo mùa nở rộ của hoa phlox màu hồng tím ở khắp Bắc Mỹ.
Tất nhiên Mặt trăng này cũng không biến thành màu hồng, trừ khi bạn trông thấy nó vào thời điểm ảo ảnh Mặt trăng, khi bất kỳ Mặt trăng nào cũng có màu phớt cam hồng.
Cũng vì những lý do trên, nếu bạn bỏ lỡ khoảnh khắc "Mặt trăng màu cam" tối qua, bạn hoàn toàn có thể đợi hoàng hôn hôm nay, chọn một điểm quan sát thoáng đãng, có thể nhìn thấy đường chân trời và... cầu mong thời tiết tốt, ít mây. Ảo ảnh Mặt trăng sẽ xuất hiện khi trăng vừa mọc bất kể nó có tròn tuyệt đối hay không.

Những sự thật thú vị về vũ trụ có thể bạn chưa biết
Cho tới nay, thế giới vũ trụ rộng lớn vẫn còn là chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà khoa học hiện đại vẫn chưa khám phá hết.

Bất ngờ phát hiện "Mặt trăng" hoàn toàn mới đang ẩn nấp trong Hệ Mặt trời
Vệ tinh tự nhiên nhỏ bé được tìm thấy quay quanh một tiểu hành tinh.

Tên lửa hoạt động như thế nào trong không gian?
Trên thực tế, ở không gian vũ trụ không có không khí, vậy làm thế nào tên lửa có thể đốt cháy động cơ và nhiên liệu thiết yếu cần có trong không gian?

10 điều kỳ lạ nhất của vũ trụ
Lỗ đen có kích thước tương đương hạt nhân nguyên tử, thiên hà "ăn thịt", những hạt vật chất có khả năng đâm xuyên qua lớp chì dày hàng chục km chỉ là vài trong số những phát hiện gây sốc nhất về không gian bên ngoài trái đất.

Sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa tốt hơn? Khoa học đã có câu trả lời!
Liệu nên sống ở Mặt trăng hay sao Hỏa nếu con người cần di chuyển đến một nơi ở khác ngoài Trái đất?

NASA công bố 3 bản nhạc ma quái từ tinh vân và hành tinh khác
Cả 3 vật thể phát nhạc mà NASA vừa công bố đều là những hình ảnh ngoạn mục đầu tiên mà siêu kính viễn vọng 9 tỉ USD James Webb đã chụp được và từng làm mê hoặc thế giới.
