Trẻ chỉ nên ngủ chung với mẹ
Tin buồn cho các ông bố, bởi các sĩ khuyên rằng, trẻ nên ngủ chung với mẹ cho tới ít nhất là 3 tuổi.
Lời khuyên gây nhiều tranh cãi này vừa được Tiễn sĩ Nils Bergman của Đại học Cape Town, Nam Phi đưa ra hôm qua trên Daily Mail. Bergman cho rằng, những em bé 2 ngày tuổi khi ngủ một mình trong cũi sẽ không thể ngủ sâu và ngon giấc như những em bé được nằm cạnh mẹ. “Tim của em bé sẽ chịu áp lực lớn hơn”, ông cho biết.
Hơn nữa, việc ngủ riêng ngay từ lúc mới chào đời sẽ khiến cho hai mẹ con khó gắn kết với nhau hơn. Nó cũng gây tổn thương đến sự phát triển của não bộ, dễ gây ra những hành vi không tốt khi trẻ lớn lên.
Chính vì thế, Tiến sĩ Bergman tin rằng, trẻ sơ sinh nên ngủ trên ngực mẹ trong ít nhất là vài tuần đầu tiên. Sau đó, chúng nên ngủ chung giường với mẹ cho đến khi được 3 hoặc 4 tuổi.
Tuy nhiên, lời khuyên này đi ngược lại với tâm lý nuôi con truyền thống của phương Tây về việc rèn luyện tính tự lập cho con trẻ ngay từ bé. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trước đây về việc nằm chung giường với bố mẹ sẽ làm gia tăng nguy cơ chết ngạt ở trẻ (do chăn bố mẹ chùm trên mặt bé, hay bố mẹ vô tình đè lên người con trong lúc ngủ say...) cũng chống lại quan điểm của Tiến sĩ Bergman.
Mới đây nhất, một nghiên cứu tại Anh cho thấy, hai phần ba số ca tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh xảy ra khi trẻ nằm chung với bố mẹ.
Stress hơn?
Nhưng Tiến sĩ Bergman vẫn bảo lưu quan điểm của mình. “Với những em bé không may bị chết ngạt, nguyên nhân không phải do sự hiện diện của người mẹ. Nó có thể xuất phát từ hương thơm quá nồng, từ khói thuốc lá, chất cồn, gối quá to hay những món đồ chơi nguy hiểm”.
Ông cho biết đã theo dõi 16 trẻ sơ sinh ngủ trên ngực mẹ và ngủ trong cũi, với cũi được kê sát giường mẹ. Kết quả cho thấy, tim của những em bé ngủ một mình đập nhanh gấp 3 lần, đồng nghĩa với việc tim phải chịu sức ép cao gấp 3 lần.
Ngoài ra, chỉ có 6/16 trẻ ngủ sâu và không “ọ ẹ” giữa giấc. Việc trẻ không thể ngủ sâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não sau này, Tiến sĩ Bergman phân tích.
“Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra mối quan hệ giữa stress và thiếu ngủ với những hành vi khác thường trong năm tháng niên thiếu. Tương tự, ở người, việc stress và thiếu ngủ còn khiến cho tình mẫu tử khó gắn kết hơn”.
Tuy vậy, giáo sư George Haycock của Quỹ Nghiên cứu Trẻ sơ sinh tử vong (FSID) cho rằng, nơi an toàn nhất vẫn là trong cũi đặt trong phòng bố mẹ, và rằng việc ngủ chung giường chỉ nên tiến hành khi bố mẹ không hút thuốc, không uống rượu, không dùng thuốc và cả hai đều không bị béo phì, không ốm đau hay kiệt sức.