Triển vọng kéo dài tuổi thọ con người thêm 16 năm
Bằng cách tác động vào một gene, các nhà khoa học có thể làm tăng dòng đời trung bình của chuột lên thêm 20%. Nếu áp dụng phương pháp này, tuổi thọ bình quân của con người có thể tăng thêm 16 năm – từ 79 tuổi lên 95 tuổi.
>>> Nước tiểu có thể giúp tiên đoán tuổi thọ
Các nhà khoa học tại Viện Tim Phổi và Máu thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ đã giảm bớt sự biểu hiện của gene mang tên mTOR - vốn liên quan đến sự trao đổi chất và cân bằng năng lượng ở chuột. Cách làm này có thể giúp tăng dòng đời của chuột nhờ vào sự hạn chế nhiệt lượng.
Dòng đời dài thêm của chuột không ảnh hưởng đến mô và cơ quan nội tạng. (Ảnh: Telegraph)
TS Toren Finkel cho rằng động vật có thể có dạng đồng hồ của các cơ quan đặc biệt cùng vận hành để điều khiển sự lão hóa cơ thể giống như đồng hồ sinh học chỉ nhịp tuần hoàn ngày.
Nghiên cứu chi tiết cho thấy dòng đời dài thêm của chuột không ảnh hưởng đến mô và cơ quan nội tạng. Thí dụ như chuột vẫn có trí nhớ tốt và cân bằng nhưng xương bị thoái hóa nhanh hơn bình thường.
Các nhà khoa học biến đổi gene để chuột chỉ sản sinh 25% lượng protein mTOR – tức mức độ thấp nhất để duy trì sự sống. Chuột sẽ trở nên nhỏ hơn trung bình nhưng trông vẫn bình thường.
Đời sống trung bình của chuột đực được biến đổi gene mTor là 28 tháng và chuột cái là 31, 5 tháng so với con số tương ứng ở chuột bình thường là 22,9 tháng và 26,5 tháng. Nếu so sánh với khả năng phương pháp này được áp dụng ở người thì tuổi thọ bình quân có thể tăng thêm 16 năm – từ 79 tuổi lên 95 tuổi.