Trong họ hàng nhà mối, có một chi đã phiêu lưu trên biển suốt hàng triệu năm nay
Mối vẫn có họ hàng gần với gián, tuy đã tách khỏi nhau trên cây tiến hóa vào khoảng 150 triệu năm trước. Sinh trưởng theo một nhánh riêng, mối đã quen với việc sống thành bầy trong tổ.
Ngày nay, mối chia thành nhiều loài đa dạng, khi có những tổ mối chứa hàng triệu cá thể, đào những đường hầm phức tạp dưới lòng đất. Trong khi đó, đa số mối mà ta biết là mối gỗ khô, sống trong tổ với khoảng 5.000 cá thể, sống chủ yếu trong gỗ.
Nhận thấy đây là giống loài với tuổi thọ lâu đời, các nhà khoa học mong muốn tìm ra gốc gác của chúng, bên cạnh đó tìm hiểu về cách mối phiêu lưu khắp các vùng đất để có thể thịnh vượng như ngày nay.
Mối chia thành nhiều loại đa dạng.
Cộng tác với nhiều các chuyên gia khắp thế giới, nhóm nghiên cứu tới từ Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa (OIST) đã phác họa thành công lịch sử tự nhiên của loài mối gỗ khô, một trong những họ mối lớn nhất thế giới. Họ phát hiện ra những chuyến hải trình mối đã thực hiện để có thể có được độ đa dạng sinh học như ngày hôm nay.
Trong nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Sinh học và Tiến hóa Phân tử, các nhà khoa học chỉ ra gốc gác của mối và cách chúng phát tán toàn cầu. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy trong những thế kỷ cận đại, một số loài mối đã đi cùng con người tới những vùng đất xa xôi.
“Mối gỗ khô với pháp danh khoa học Kalotermitidae thường được cho là giống loài nguyên thủy, khi chúng tách ra khỏi cây phả hệ mối khá sớm vào khoảng 100 triệu năm trước, một phần lý do cũng tới từ việc kích cỡ đàn mối khá hạn chế”, Giáo sư Aleš Buček cũng là tác giả chính của nghiên cứu cho hay. “Thế nhưng, chúng ta biết rất ít về chúng”.
Theo lời giáo sư Aleš Buček, những nghiên cứu trước đây thu được số dữ liệu hạn chế do chỉ tập trung vào một chi duy nhất, chính là mối hay hiện diện trong nhà. Để có được bộ dữ liệu đa dạng hơn, nhóm nghiên cứu tới từ OIST đã thu thập hàng trăm mẫu mối từ khắp nơi trên thế giới trong suốt 3 thập kỷ qua.
Nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 120 loài mối, có những mẫu được lấy tại những địa điểm khác nhau nhưng vẫn chung loài. Số dữ liệu thu được đại diện cho hơn 25% số lượng loài Kalotermitidae, cho thấy độ đa dạng của loài sinh vật bé nhỏ.
Số lượng mẫu mối lấy từ các địa phương.
Sau khi so sánh chuỗi gene, các nhà nghiên cứu đã dựng thành công cây phả hệ của mối gỗ khô. Họ phát hiện ra rằng mối gỗ khô có kinh nghiệm hàng hải hơn bất cứ loài nào cùng họ. Chúng đã vượt đại dương ít nhất 40 lần trong vòng 50 triệu năm qua, đã đi từ Nam Mỹ tới Châu Phi. Đó là lý do mối gỗ khô lại đạt độ đa dạng loài cao tới vậy.
“Chúng rất giỏi vượt biển”, Giáo sư Buček cho hay. “Nhà chúng làm từ gỗ, nên cũng có thể được dùng như thuyền vậy”.
Các nhà khoa học thấy rằng đa số chi mối có gốc gác Nam Mỹ, đồng thời phân tán từ đây ra khắp các miền đất. Phải đặt trong khung thời gian hàng triệu năm, một loài mới có thể rẽ nhánh tiến hóa để trở thành nhiều loài khác. Nghiên cũng cho thấy chặng đường tiến hóa của mối có tác động lớn từ hoạt động của con người, khi trong những thế kỷ gần đây, chúng đã "quá giang" trên những chuyến hải trình xuyên lục địa.
Mặc dù là một trong những dòng dõi mối lâu đời nhất, mối gỗ khô không hề “ăn lông ở lỗ”.
Hơn nữa, nghiên cứu làm lung lay quan niệm đại chúng, vốn cho rằng mối gỗ khô có một lối sống nguyên thủy. Dù là một trong những dòng dõi mối lâu đời nhất, mối gỗ khô không hề “ăn lông ở lỗ”. Thực tế, chúng có thể hình thành tổ trải dài một diện tích lớn, nối giữa các cây bằng một hệ thống đường hầm phức tạp.
“Nghiên cứu không chỉ cho thấy chúng ta biết rất ít về mối, độ đa dạng trong cách chúng sống, cũng như quy mô xã hội của tổ mối”, Giáo sư Tom Bourguignon, một trong những học giả lão thành góp công soạn thảo nghiên cứu.
“Khi thu được ngày một nhiều thông tin liên quan tới hành vi cũng như đặc điểm sinh thái của mối, chúng ta sẽ có thể tận dụng cây phả hệ mới dựng được để hiểu thêm về quá trình tiến hóa của côn trùng, đồng thời hiểu tại sao mối lại thành công tới vậy”.