Trong tương lai, đại dương sẽ gây thủng tầng ozone?
Các đại dương đang chứa một lượng lớn khí gây phá hủy tầng ozone. Nếu tình trạng biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn, Trái đất sẽ tiến nhanh hơn đến thời điểm đại dương giải phóng loại khí này, theo Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
Đại dương trên Trái đất đóng vai trò là một bể chứa khổng lồ, hấp thụ nhiều loại khí trong bầu khí quyển, bao gồm cả các khí gây phá hủy ozone, gọi là khí CFC. Các khí này sẽ ở yên dưới lớp nước biển trong nhiều thế kỷ.
Trong tương lai, đại dương sẽ thải khí gây thủng tầng ozone ngược vào khí quyển - (Ảnh: REUTERS).
Khí CFC đại dương từ lâu đã giúp con người nghiên cứu các dòng biển, tuy nhiên những tác động của nó lên khí quyển vốn được cho là không đáng kể. Giờ đây, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát hiện một loại khí CFC trong đại dương với tên gọi CFC-11 thực chất có ảnh hưởng đến khí quyển.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu dự báo đại dương sẽ giải phóng khí này ngược vào khí quyển trong tương lai.
Theo tính toán, đến năm 2075, các đại dương sẽ giải phóng lượng CFC-11 nhiều hơn mức nó hấp thụ và đến năm 2130, mức phát thải này trở nên đáng kể. Nếu tình trạng biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn, hiện tượng này sẽ xảy ra sớm hơn 10 năm.
CFC-11 được con người sử dụng làm chất làm lạnh và chất cách điện. Khi thải vào khí quyển, khí này khởi phát một chuỗi phản ứng phá hủy tầng ozone đóng vai trò bảo vệ Trái đất khỏi bức xạ tử ngoại độc hại.
Từ năm 2020, Nghị định thư Montréal yêu cầu toàn thế giới ngừng sản xuất và dùng khí CFC-11 để khôi phục tầng ozone. Mức phát thải CFC-11 giảm đều qua từng năm, trong đó đại dương hấp thụ 5 - 10% lượng khí này.
Tuy nhiên, khi nồng độ của nó trong khí quyển thấp xuống một mức nhất định, đại dương sẽ gặp phải tình trạng vượt quá bão hòa. Lúc này, khí CFC-11 sẽ bị giải phóng ngược lại vào khí quyển. Nước biển lạnh sẽ trữ CFC tốt hơn, vì vậy nếu Trái đất tiếp tục nóng lên làm tăng nhiệt độ nước biển, các đại dương sẽ khó "bắt giữ" khí này.
Kết quả nghiên cứu trên sẽ giúp việc đo đạc nồng độ khí CFC trong tương lai chính xác hơn, tránh việc các nhà khoa học hoang mang khi phát hiện một lượng khí không rõ nguồn gốc. Lượng khí bí ẩn này trông như có quốc gia nào đó đang lén lút vi phạm Nghị định thư Montréal, nhưng thực chất nó được thải ra từ đại dương.