Trung Quốc chống ô nhiễm không khí như thế nào?
Nhiều người có lẽ còn nhớ Bắc Kinh từng được xem là thành phố ô nhiễm hàng đầu trên thế giới. Hình ảnh thủ đô của Trung Quốc chìm trong khói bụi dày đặc và bầu không khí mờ đục đã khiến nhiều người không khỏi ám ảnh khi nhìn thấy.
Hình ảnh thủ đô Bắc Kinh chìm trong khói bụi gây ám ảnh.
Tuy nhiên giờ đây, Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên không khí sạch mới. Theo ứng dụng đo lường không khí IQAir, không một thành phố nào tại Trung Quốc còn nằm trong top 5 những khu vực có bầu không khí ô nhiễm.
Bắc Kinh, thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào khoảng 10 năm trước, giờ đây chỉ xếp hạng 30 - 40 trong bảng xếp hạng trực tiếp của IQAir.
Sự thay đổi về chất lượng không khí của Bắc Kinh nói riêng, và các thành phố lớn tại Trung Quốc nói chung, cho thấy chiến dịch chống ô nhiễm của nước này đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Giờ đây, Trung Quốc thậm chí còn cho thấy họ đang đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi khí nhà kính, năng lượng sạch, và hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn phát thải
Tháp giải nhiệt và ống khói tại một nhà máy nhiệt điện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).
Các thành phố ở Trung Quốc từng phải vật lộn với tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cao trong suốt một thời gian dài. Nguyên nhân là do mật độ dân số quá lớn, kết hợp cùng lượng khí thải carbon tăng vọt đến từ sinh hoạt của người dân, cũng như các dự án phát thải.
Để cải thiện chất lượng không khí, giới chức Trung Quốc hiểu rằng họ phải chặn tận gốc những nguồn phát thải.
Theo đó, họ đề xuất hàng loạt biện pháp và chính sách mới nhằm kiểm soát một cách nghiêm ngặt và hợp lý tổng lượng than sử dụng và hạn chế các dự án phát thải cao để cải thiện chất lượng không khí.
Các biện pháp đề xuất khác bao gồm: phát triển nguồn năng lượng mới và sạch, tăng cường sản xuất khí đốt tự nhiên và hạn chế các dự án dẫn đến tiêu thụ năng lượng cao và lượng khí thải cao.
Kế hoạch đặt mục tiêu giảm tiêu thụ than ở khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và các khu vực lân cận khoảng 10% so với mức năm 2020 vào năm 2025. Mục tiêu giảm 5% đối với khu vực Đồng bằng sông Dương Tử.
Cùng với đó, việc sử dụng than ở tỉnh Sơn Tây và Thiểm Tây phía bắc Trung Quốc bị cắt giảm trong cùng thời gian. Giới chức nước này cũng đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Trung Quốc muốn giảm 10% mật độ các hạt nguy hiểm trong không khí được gọi là PM2.5 so với năm 2020 và giữ số ngày bị ô nhiễm nghiêm trọng xuống dưới 1%.
Đối với kiểm soát khí thải do các phương tiện giao thông, Bắc Kinh hạn chế số lượng phương tiện giao thông. Song song với đó là thiết lập các hệ thống giao thông xanh và khuyến khích người dân sử dụng xe điện để giảm lượng khí thải carbon.
Để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi này, các trạm sạc nhanh dự kiến sẽ có ở ít nhất 80% khu vực đường cao tốc, khu vực trọng điểm gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải... và không dưới 60% ở các khu vực khác vào năm 2025.
Hệ thống chuyển đổi carbon dioxit
Hệ thống chuyển đổi carbon dioxit giúp bầu không khí trở nên trong lành hơn.
Bên cạnh việc cắt giảm các nguồn phát thải, thì những hệ thống chuyển đổi carbon dioxit của Trung Quốc cũng được xem là cột mốc trong việc khai thác khí nhà kính, từ đó giúp bầu không khí trở nên trong lành hơn.
Về cơ bản, những hệ thống này sẽ hoạt động như những "máy lọc không khí khổng lồ", giúp hạn chế bớt lượng khí ô nhiễm, và chuyển hóa chúng thành những chất có thể sử dụng được.
Đầu năm 2024, các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong (HUST) ở Vũ Hán đã giới thiệu công trình Hệ thống điện phân, có thể chuyển đổi carbon thành axit formic với hiệu suất hơn 93%.
Quá trình này bao gồm việc phá vỡ các liên kết hóa học của carbon dioxit và sau đó bổ sung hydro để tạo ra nhiều loại hydrocacbon có giá trị khác nhau, chẳng hạn như axit formic, metanol, etanol, ankan hoặc olefin.
Axit formic - thành phẩm của hệ thống chuyển đổi - có nhiều ứng dụng trong hóa chất, năng lượng, nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Ứng dụng chính của hợp chất này là làm chất bảo quản và kháng khuẩn trong thức ăn chăn nuôi. Nó cũng có thể được sử dụng trong pin nhiên liệu, thuộc da, làm chất tẩy rửa bồn cầu...
Quan trọng hơn, hệ thống có thể hoạt động liên tục trong ít nhất 5.000 giờ, lâu hơn bất kỳ thiết bị nào khác đang được nghiên cứu.
Một lợi ích bổ sung là chất điện phân được sử dụng trong quy trình mới này có thể được lấy trực tiếp từ pin axit chì đã qua sử dụng. Từ đó, mang tới một lựa chọn xanh hơn và bền vững hơn.
Năng lượng gió và mặt trời - nguồn năng lượng mới
Dàn tua-bin gió trên một dãy núi tại Trung Quốc. (Ảnh: Getty).
Nếu chỉ hạn chế lượng khí thải, và tìm cách chống lại ô nhiễm thì chưa đủ. Để hướng tới một tương lai lâu dài, nơi con người sử dụng các nguồn năng lượng mới và thân thiện với môi trường, Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Với lợi thế từ diện tích lãnh thổ và đường bờ biển dài, Trung Quốc hiện dẫn đầu thế giới khi chiếm 56% công suất lắp đặt các hệ thống năng lượng gió, tăng mạnh so với mức 37% được ghi nhận năm 2018.
Năm 2022, công suất điện gió ngoài khơi tích lũy của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 31 gigawatt, lần đầu tiên vượt qua châu Âu để giành vị trí số một toàn cầu.
Công suất lắp đặt mới ở Trung Quốc trong cùng năm là khoảng 5 gigawatt, cao gấp đôi so với châu Âu.
Giữa năm 2023, Trung Quốc khởi động thành công tua bin gió MySE 16-260 với kích thước lớn nhất thế giới, được lắp tại trang trại gió ngoài khơi gần tỉnh Phúc Kiến.
Tua bin khổng lồ cao 152 mét, nặng 54 tấn, với mỗi cánh quạt dài 123 mét. Khi đi vào hoạt động, các cánh quạt của tua bin bao phủ một diện tích gần 50.000 mét vuông, tạo ra công suất 16 megawatt.
Cần phải nói thêm rằng, đây là lần đầu tiên một tua bin lớn như vậy được nối vào lưới điện thương mại.
Điện gió và điện mặt trời ở Trung Quốc dự kiến sẽ vượt năng lượng than vào năm 2024. (Ảnh: Getty).
Cùng với năng lượng gió, thì năng lượng mặt trời cũng được Trung Quốc khai thác triệt để. Năm 2023, nước này đã bổ sung thêm nhiều tấm pin mặt trời hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Con số này là 216,9 gigawatt năng lượng mặt trời vào năm 2023, phá vỡ kỷ lục trước đó là 87,4 gigawatt từ năm 2022, theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc gia. Trong khi đó, Mỹ - thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ hai thế giới - chỉ đạt 175,2 gigawatt, theo ước tính của BloombergNEF.
Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) trong một báo cáo hàng năm, cho biết năng lượng gió và mặt trời sẽ chiếm khoảng 40% công suất phát điện vào cuối năm 2024. Trong khi đó, năng lượng than sẽ giảm xuống còn 37%.
CEC kỳ vọng Trung Quốc sẽ xây dựng được khoảng 1.300 gigawatt (GW) công suất gió và mặt trời vào cuối năm 2024, nghĩa là nước này sẽ vượt mục tiêu chính thức là 1.200 GW vào năm 2030.
Với hàng loạt biện pháp tổng thể chú trọng vào cải thiện chất lượng không khí và hướng tới nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, Trung Quốc thực sự đã đạt được những tiến bộ lớn.
Điều quan trọng là thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực này có thể trở thành một cú hích lớn cho các nền kinh tế phát triển trên thế giới và tạo thành cuộc đua - nơi nhân loại sẽ được hưởng lợi.