Trung Quốc có kế hoạch chi 200 tỷ USD xây đường tàu chạy dưới nước, tới Hoa Kỳ chỉ trong 2 ngày
Để nền kinh tế duy trì được nội lực đất nước, nỗ lực thông thương quốc tế luôn được đặt lên hàng đầu. Với dự án lớn như xây đường tàu dài 13.000km nối liền Trung Quốc và Mỹ, nhân loại sẽ chứng kiến một “đường ray tơ lụa” đem lại lợi ích không tưởng. Nhưng rõ ràng, mọi thứ không đơn giản thế …
Năm 2014, một loạt những đầu báo lớn đưa tin về đường ray đang được Trung Quốc xây dựng. Nếu thành công, đây sẽ là thành tựu lớn nối tình hảo hữu giữa hai cường quốc, đồng thời đẩy mạnh hoạt động giao thương, du lịch và cải thiện hàng loạt yếu tố môi trường. Tuy nhiên, nhiều năm sau, tương lai dự án vẫn còn bí ẩn.
Từ Trung Quốc tới Mỹ trong hai ngày
Đường ray dài 13.000 km sẽ đi từ Trung Quốc qua Nga, tới Canada rồi sẽ đến bến cuối tại Mỹ. Khi đi qua eo biển Bering, con nước hẹp nối liền Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương, con tàu sẽ phải sử dụng một đường ray nằm dưới nước để hoàn thành chuyến hành trình.
Khi được hỏi, các quan chức Trung Hoa đều khẳng định tính khả thi của dự án. Theo tờ China Daily, Trung Quốc đã sở hữu đủ tài nguyên và công nghệ cao để thực hiện tuyến đường không tưởng.
Chúng ta sẽ có thể di chuyển xuyên lục địa chỉ trong 2 ngày với đường tàu này.
“Ngay lúc này, chúng tôi đã đang bàn luận. Nga cũng đã cân nhắc dự án này nhiều năm rồi”, Wang Mengshu, chuyên gia đường sắt công tác tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc trả lời phỏng vấn The Guardian.
Đi tắt qua eo biển Bering để tới Bắc Mỹ, chúng ta sẽ có thể di chuyển xuyên lục địa chỉ trong 2 ngày.
Liệu đường tàu nối liền Trung Quốc với Mỹ có thân thiện với môi trường?
Thông thường, tàu trên ray vẫn luôn được coi là phương tiện công cộng thân thiện với môi trường nhất. Tàu có thể chứa tới hàng chục ngàn hành khác, đồng thời phát thải thấp hơn đáng kể so với ô tô. Ước tính cho hay tàu thải ra 14g CO2 khi chở một khách đi 1 kilomet, với máy bay con số này lên tới 285g.
Những đường tàu cao tốc, dùng để chở cả người lẫn hàng hóa, đều hiệu quả. Một đoàn tàu chạy bằng năng lượng tái tạo sẽ còn mang lại hiệu năng cao hơn nữa.
Dữ liệu cho thấy tàu siêu tốc thân thiện với môi trường.
Nhưng khả thi tới đâu?
Theo The South China Morning Post, kinh phí dự kiến lên tới 200 tỷ USD. Số tiền lớn là một trong nhiều lý do dự án vẫn bị trì hoãn cho tới giờ. Nhưng xét tới hệ thống đường ray đã rất ấn tượng của người Hoa, với tổng chiều dài lên tới 37.000km, dự án tham vọng vẫn khả thi trên lý thuyết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sở hữu hệ thống tàu điện maglev thương mại nhanh nhất thế giới. Nối liền sân bay Phố Đông Thượng Hải với hệ thống tàu điện ngầm Thượng Hải, đường tàu vận hành bằng công nghệ nam châm siêu dẫn giúp người dân Trung Hoa di chuyển nhanh chóng giữa nội và ngoại thành.
Nhìn từ khía cạnh môi trường, việc sử dụng tàu làm phương tiện công cộng sẽ giúp cắt giảm lượng khí nhà kính mà hoạt động giao thông sinh ra. Báo cáo công bố năm 2019 cho thấy đường sắt cao tốc giúp “giảm ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc đi 7,3%”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đi tàu maglev của Trung Quốc hồi năm 2006.
Dù đem lại nhiều lợi lộc, đường tàu nối Trung Quốc-Nga-Canada-Mỹ vẫn là một dự án tốn kém. Nhiều người cho rằng đường tàu vô dụng khi các tuyến hàng không, các tuyến đường biển phục vụ cùng mục đích vẫn tồn tại, thà tiếp tục tận dụng chúng còn hơn bỏ 200 tỷ USD xây đường ray chạy liên lục địa.
Hơn nữa, dự án sẽ là màn hợp tác giữa các quốc gia sở hữu các mối quan hệ chính trị phức tạp. Một trở ngại nữa để biến đường tàu trong mơ thành sự thực.
Ở thời điểm hiện tại, đường tàu liên lục địa, với một đoạn đường ray nằm dưới mực nước biển vẫn chỉ là giấc mơ.