Trung Quốc phát hiện dấu chân khủng long tại một nhà hàng ở Tứ Xuyên
Dấu chân khủng long được tìm thấy trong một nhà hàng ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc bước đầu xác định đây là dấu chân của loài khủng long Brontosaurus đầu thời kỳ Kỷ Phấn Trắng.
Đây là dấu chân của loài khủng long Brontosaurus.
Theo tờ Toutiao, nhóm chuyên gia do Phó giáo sư, Tiến sĩ Xing Lida (Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc) và Peng Guangzhao (Bảo tàng Khủng long Zigong) dẫn đầu, đã tiến hành công tác nghiên cứu tại một nhà hàng ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, bước đầu xác định đây là dấu chân của loài khủng long Brontosaurus.
Đáng chú ý, dấu chân khủng long cách tượng phật khổng lồ nổi tiếng ở Lạc Sơn chỉ 5 km. Đây là dấu chân khủng long duy nhất trên thế giới được tìm thấy trong một nhà hàng.
Nơi tìm thấy dấu chân khủng long là một vũng nước nhỏ trong khuôn viên nhà hàng.
Ông Ou Hongtao, người đầu tiên phát hiện dấu chân khủng long hôm 10/7 cho biết, ông vô tình phát hiện một số dấu vết kỳ lạ trên khi đang dùng bữa tại nhà hàng. Do tính chất công việc là phải thường xuyên tiếp xúc với đất đá, cùng niềm đam mê nghiên cứu hóa thạch cổ, ông Ou Hontao nhận định đây có thể là dấu chân khủng long. Ngay tối hôm đó, ông đã liên lạc với Phó giáo sư, Tiến sĩ Xing Lida.
Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu và đo đạc dấu chân.
Tại địa điểm phát hiện dấu chân khủng long, nhóm chuyên gia thực hiện công tác nghiên cứu và đo đạc tỉ mỉ, chụp ảnh bằng Flycam và quét 3D toàn bộ khu vực. Các chuyên gia sau đó xác định đây là dấu chân của loài khủng long Brontosaurus thuộc Kỷ Phấn Trắng, trong đó có hơn mười dấu chân được tạo thành hai hàng.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Xing Lida cho biết, phát hiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đây là lần đầu tiên Trung Quốc phát hiện dấu chân khủng long tại một đô thị. Nghiên cứu bước đầu cho thấy loài khủng long này xuất hiện cách đây khoảng 100 triệu năm, chúng di chuyển dọc hai bên bờ sông, hoạt động trong môi trường khô hạn.
Phát hiện lần này đã mang lại nhiều thông tin về môi trường cổ sinh ở đầu Kỷ Phấn Trắng tại khu vực này, đồng thời đặt nền tảng vững chắc cho việc tìm kiếm các ghi chép về khủng long ở Lạc Sơn.