Tử cung nhân tạo được thử nghiệm thành công lần hai
Các nhà khoa học Australia tiếp tục thử nghiệm thành công tử cung nhân tạo, mở ra cơ hội sống sót cho những bé sinh non từ 22 tuần tuổi.
Một nhóm nghiên cứu Australia sử dụng thành công tử cung nhân tạo để nuôi dưỡng thai nhi cừu lần thứ hai, Long Room đưa tin. Túi nhựa chứa đầy chất lỏng có thể giúp các cơ quan nội tạng của bào thai phát triển, mang lại hy vọng mới cho chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Western Australia, Hiệp hội nghiên cứu phụ nữ và trẻ nhỏ Australia và Bệnh viện Đại học Tohoku ở Nhật Bản cho biết họ cho một số con cừu phát triển trong tử cung nhân tạo suốt một tuần.
Những con cừu sinh ra khỏe mạnh và không có dấu hiệu tổn thương não.
Thai nhi cừu được đặt vào trong túi làm riêng cho chúng để kiểm tra cách chúng phản ứng và phát triển trong môi trường đó. Những con cừu sinh ra khỏe mạnh và không có dấu hiệu tổn thương não.
Đây không phải lần đầu tiên tử cung nhân tạo được sử dụng để nuôi dưỡng thai nhi cừu. Hồi tháng 4, nhóm nghiên cứu ở Viện nhi Philadelphia áp dụng phương pháp ấp cừu tương tự. Tử cung nhân tạo chứa phôi thai cừu trong 4 tuần mà không gây ảnh hưởng tới não hay cơ quan nội tạng. Phần lớn số cừu bị tiêu hủy sau đó để nhóm nghiên cứu phân tích nội tạng của chúng và cách các cơ quan phát triển.
Cừu được sử dụng trong nghiên cứu đều trong khoảng 105 - 115 ngày tuổi, tương ứng với thai nhi trẻ 23 tuần. Trước khi tạo ra tử cung nhân tạo, các nhà nghiên cứu chỉ giữ được cừu non sống sót trong hệ thống nhân tạo khoảng 60 tiếng và những con cừu đó bị tổn thương não nghiêm trọng.
Tử cung nhân tạo chứa đầy nước ối để mô phỏng điều kiện trong tử cung cá thể mẹ. Một thiết bị cấp oxy bên ngoài sẽ đóng vai trò như nhau thai trao đổi oxy giúp tuần hoàn hệ thống và dẫn khí carbon dioxide. Trong cả hai nghiên cứu, tim thai nhi được theo dõi kỹ lưỡng để không làm việc quá tải trong khi các cơ quan khác trong cơ thể cừu phát triển.
Cừu sinh non phát triển trong tử cung nhân tạo. (Video: YouTube).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phương pháp này có thể nguy hiểm do sự khác biệt giữa cừu và con người. Ví dụ, cừu chỉ ở trong tử cung 5 tháng trong khi con người phải nằm trong bụng mẹ 8-9 tháng. Cừu non chào đời cũng lớn hơn nhiều so với trẻ sơ sinh. Chênh lệch kích thước có thể làm thay đổi cách tử cung nhân tạo hoạt động. Một ý kiến chỉ trích khác là tử cung nhân tạo có thể xâm phạm quyền phá thai của phụ nữ.
Mỗi năm khoảng 30.000 trẻ em ở Mỹ sinh non nguy hiểm, có nghĩa trẻ được sinh ra trước 26 tuần tuổi so với quá trình phát triển 37 tuần thông thường. Các nhà nghiên cứu hy vọng tử cung nhân tạo sẽ mang lại giải pháp y học nhằm giúp trẻ sinh non từ 22 tuần sống sót. Họ sẽ cần thêm 5 năm hoàn thiện trước khi có thể thử nghiệm hệ thống với thai nhi người. Phương pháp mới được đặt tên là "môi trường tử cung ngoại hoạt" hay EVE.