Vận động viên có khả năng nghe tốt hơn người thường
Một nghiên cứu mới cho thấy bộ não của các vận động viên chuyên nghiệp có khả năng phân tích âm thanh tốt hơn người bình thường.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học tại Đại học Tây Bắc, đứng đầu là chuyên gia thần kinh Nina Kraus, công bố trên Tạp chí Sports Health ngày 9/12.
Các nhà khoa học đã đo điện não đồ của 495 sinh viên thể thao vùng tây bắc nước Mỹ và 493 sinh viên bình thường, ghi lại hoạt động điện sinh học của não khi phản ứng với âm thanh.
"Bằng cách này, chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về sức khỏe não bộ và hệ thần kinh con người", Nina Kraus cho biết.
Vận động viên chuyên nghiệp có ít tĩnh điện trong não và khả năng xử lý tạp âm tốt hơn người bình thường.
Các tình nguyện viên sinh sống trong môi trường yên tĩnh có một bộ não "ồn ào", ảnh hưởng đến khả năng phân tích thông tin đầu vào từ thính giác. Trong khi đó, người thường xuyên tiếp xúc với các âm thanh sống động từ ngôn ngữ đến âm nhạc ít tĩnh điện thần kinh hơn và khả năng phản xạ của thính giác tốt hơn.
"Một bộ não đói thông tin thường tự tạo ra các xung điện một cách ngẫu nhiên gây cản trở cho việc cảm nhận âm thanh", Nina giải thích.
Nhóm nhà khoa học phát hiện các vận động viên chuyên nghiệp có ít tĩnh điện trong não và khả năng xử lý tạp âm tốt hơn người bình thường. Một vận động viên có thể dễ dàng nghe thấy đồng đội la hét về chiến thuật hoặc tiếng gọi của huấn luyện viên từ ngoài sân đấu bằng cách tự giảm tiếng ồn điện tích trong não.
Nghiên cứu là một phần của một công trình được thực hiện kể từ năm 2014 về cách hệ thần kinh xử lý tạp âm khi gặp chấn động não trong quá trình chơi thể thao. Bằng cách phân tích phản ứng của não bộ với âm thanh sau khi bị chấn động, các nhà khoa học hy vọng có thể xác định rõ hơn thời điểm an toàn để một vận động viên vừa chịu chấn thương não trở lại sân đấu.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, học ngôn ngữ hoặc chơi nhạc cụ là những hình thức để cải thiện phản ứng của não bộ đối với âm thanh. Tuy nhiên, điều này không hữu dụng đối với các vận động viên.
"Chơi nhạc cụ có thể củng cố kỹ năng xử lý tín hiệu, nhưng không giúp giải quyết vấn đề về tạp âm", Nina cho biết.
Cô hy vọng, nghiên cứu trở thành nền tảng cho các kỹ thuật mới có thể ứng dụng cho người mắc chứng rối loạn về thính giác hoặc gặp chấn động sau tập thể thao.