Văn hóa uống rượu bia, xem thể thao có từ bao giờ?

Cách đây 30 năm, học giả người Mỹ Lawrence Wenner từng viết rằng có một sự trớ trêu về mặt văn hóa khi người hâm mộ thể thao đứng xung quanh, bình luận về sức mạnh của các vận động viên chuyên nghiệp trong lúc cầm trên tay một cốc bia.

Từ màn ăn mừng với sâm panh trên bục trao giải đến những hành động phấn khích trong phòng thay đồ hay quán bar, rượu bia, thể thao và đồ uống từ lâu đã được biến thành văn hóa không thể tách rời, theo Al Jazeera.

Văn hóa uống rượu bia, xem thể thao có từ bao giờ?
Rượu bia được xem là một phần không thể thiếu của nhiều người hâm mộ khi theo dõi các trận đấu thể thao.

Hôm 18/11, FIFA thông báo đồ uống có cồn sẽ không còn được bán tại tất cả sân vận động tổ chức các trận cầu của World Cup 2022. Rượu bia vẫn sẽ có mặt ở Qatar trong suốt giải đấu, nhưng không xuất hiện khắp nơi như các kỳ World Cup trước.

Giáo sư Steve Jackson của Đại học Otago (New Zealand) cho biết gốc rễ của mối quan hệ giữa thể thao và rượu bia bắt nguồn từ thời La Mã.

“Bánh mì và các gánh xiếc, bao gồm rượu vang cùng nhiều loại đồ uống có cồn khác nhau, được cung cấp để xoa dịu người dân và xua tan tình trạng bất ổn xã hội”, ông nói.

Các nhà quảng cáo ở Mỹ sớm nhận ra sức mạnh của việc gắn sản phẩm của họ với một đội thể thao từ những ngày đầu đài phát thanh phổ biến. Các nhà sản xuất bia thường tài trợ cho đội bóng chày địa phương với hy vọng lấy được lòng trung thành từ người hâm mộ.

Ông Jackson nói thể thao, bia và nam tính tạo thành “Holy Trinity” (bộ 3 thần thánh) một cách có hệ thống, khi chúng tương tác với thị trường và bức tranh rộng hơn về giới trong văn hóa đương đại.

Văn hóa uống rượu bia, xem thể thao có từ bao giờ?
Đồ uống có cồn thường được xem là điều không thể thiếu trước, trong và sau trận đấu.

Sự gắn kết “xưa như Trái đất”

Nhiều môn thể thao thường coi nam giới là người tham gia và ủng hộ chính, nhưng có quan điểm cho rằng “nam tính độc hại” đã khiến họ khó thảo luận cởi mở về các vấn đề cá nhân, cảm xúc hoặc sức khỏe tâm thần.

Paul Widdop, học giả về kinh tế địa chính trị của thể thao tại Đại học Manchester (Anh), nói: “Bia tạo điều kiện cho sự tương tác giữa đàn ông và cả phụ nữ. Đó là một phần của văn hóa thể thao, được tạo ra bởi các thế hệ người hâm mộ tương tác với nhau bằng biểu tượng gắn bó, không chỉ với các nhãn hiệu bia, mà còn với quán rượu. Đó là lý do hầu hết sân bóng ở khu vực Victoria đều nằm cạnh các quán rượu”.

Theo nghĩa đó, rượu hoạt động như chất bôi trơn xã hội.

Cách kết hợp rượu bia với sự kiện thể thao có thể khác nhau tùy theo địa điểm, theo Siwcbrewery.

Ở Mỹ, khó có thể tìm thấy quán bar nào không có ít nhất một TV màn hình phẳng được điều chỉnh theo đội thể thao địa phương. Các chuỗi nhà hàng nổi tiếng thường có khu vực lắp đặt nhiều màn hình. Vào các ngày chủ nhật, tất cả địa điểm này sẽ chật kín đàn ông, phụ nữ và trẻ em hâm mộ môn bóng bầu dục.

Các câu lạc bộ đêm cũng có thể xuất hiện chiếc TV LED phát sóng chương trình thể thao được đặt ở vị trí trung tâm.

Trong thể thao Mỹ, đồ uống có cồn là yếu tố quan trọng trong trải nghiệm của khán giả. Nhiều bia, rượu whisky và các loại rượu khác được tiêu thụ trước, trong và sau sự kiện.

Văn hóa uống rượu bia, xem thể thao có từ bao giờ?
Bia rượu tạo điều kiện cho sự tương tác giữa người hâm mộ. Đó là một phần của văn hóa thể thao. (Ảnh: Antonio Calanni/AP).

Tại Anh, hầu hết sự chú ý của truyền thông đều tập trung vào chủ nghĩa côn đồ trong bóng đá và văn hóa thể thao thô lỗ. Nhiều thập kỷ trước, rượu, nằm trong số các chất gây nghiện khác, là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng lớn hành vi bạo lực và chống đối xã hội.

Tất nhiên, điều này, giống như phần lớn châu Âu, từng dẫn đến lệnh cấm uống rượu trong các trận đấu bóng đá.

Gạt sang một bên, người hâm mộ các môn thể thao “quý ông” hơn như bóng bầu dục và cricket coi đồ uống có cồn là điều không thể thiếu khi dõi theo diễn biến trên sân.

Một điểm khác biệt nhất định giữa văn hóa thể thao của Mỹ và Anh là đối tượng khán giả xem những môn thể thao đó là ai. Tại các trận đấu bóng bầu dục hoặc bóng rổ ở Mỹ, rất nhiều phụ nữ và trẻ em cũng chăm chú thưởng thức. Điều này trái ngược với Anh, nơi các sân vận động bị chi phối nhiều hơn bởi những người đàn ông la hét dữ dội.

Nhiều lý do dẫn đến việc người hâm mộ coi uống rượu bia trong khi xem hoặc tham gia các hoạt động thể thao là trò tiêu khiển được yêu thích trên toàn cầu.

Thứ nhất, đồ uống có cồn giúp làm dịu thần kinh. Nó được gọi là cơ chế đối phó hay “Dutch Courage” (sự tự tin mà một số người có được từ việc uống rượu trước khi làm điều gì đó cần sự dũng cảm). Vài lít bia yêu thích có thể nhắc nhở khán giả rằng đó chỉ là một trò chơi.

Tiếp đó, rượu bia giúp gắn kết mọi người có chung niềm đam mê. Trở thành một phần của đám đông tại sân vận động hoặc trong quán rượu thể thao giúp tăng sự hưng phấn. Giống như nhiều đồ uống có cồn khác, rượu bia luôn khiến mọi người dễ mất cảnh giác trước người lạ.

Ngoài ra, đồ uống có cồn cũng giúp người hâm mộ xả hơi và giải tỏa cảm xúc, thậm chí giải hòa với nhau, sau một trận đấu căng thẳng.

Không dễ thay đổi

Việc tiếp thị mối quan hệ giữa thể thao và rượu được coi là lò luyện kim. Theo công ty dự báo thị trường thể thao Sportcal, 30 thương hiệu đồ uống có cồn hàng đầu đang chi hơn 760 triệu USD/năm cho hơn 280 hợp đồng tài trợ cho các cuộc thi, câu lạc bộ và vận động viên lớn nhất trong ngành thể thao.

Văn hóa uống rượu bia, xem thể thao có từ bao giờ?
Bóng đá là mục tiêu được nhắm đến nhiều nhất bởi các nhãn hiệu bia, rượu.

Một nghiên cứu do Six Nations Championship công bố năm 2020 cho thấy trung bình cứ 12 giây trong mỗi trận đấu lại có một lần nhắc đến rượu. Phần lớn trong số này liên quan đến nhà tài trợ chính của sự kiện.

Ở Ethiopia, nơi quảng cáo rượu bị cấm, một nghiên cứu về các trận bóng đá giải Ngoại hạng Anh trên truyền hình cho thấy một số hình thức quảng cáo rượu xuất hiện trung bình 10,8 phút của một trận đấu dài 90 phút.

Là môn thể thao phổ biến nhất trên thế giới, bóng đá cũng là mục tiêu được nhắm đến nhiều nhất bởi các nhãn hiệu.

Khoảng 49% của tất cả giao dịch tài trợ rượu đang hoạt động tập trung vào bóng đá. Trong số đó, 59% nhắm mục tiêu đến người tiêu dùng châu Âu. Thị trường lớn nhất tiếp theo là Bắc Mỹ, với 20%.

Hiệp hội Bia và Quán rượu Anh ước tính khi Anh chuẩn bị đối đầu với Đan Mạch trong trận bán kết Euro 2020, các công ty chuẩn bị rót 10 triệu ly vào ngày diễn ra trận đấu. The Economist đưa tin rằng trong suốt trận cầu, khoảng 50.000 đồ uống được mua mỗi phút.

Tiêu thụ đồ uống có cồn quá mức có liên quan đến hành vi bạo lực. Rượu cũng là mối liên hệ được thiết lập giữa kết quả thể thao và lạm dụng. Theo một nghiên cứu của Đại học Lancaster năm 2014, các vụ bạo lực gia đình tăng 38% khi đội tuyển Anh thua một trận bóng đá. Số trường hợp tăng đột biến 26% khi kết quả là thắng hoặc hòa.

Nhưng không chỉ những giải đấu truyền hình lớn mới có rượu. Các câu lạc bộ thể thao cấp cơ sở thường có quán bar mang lại nguồn thu nhập cần thiết để duy trì hoạt động.

Văn hóa uống rượu bia, xem thể thao có từ bao giờ?
Bạo lực gia đình tăng đột biến trong vài giờ sau khi đội tuyển Anh thi đấu bóng đá, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy. (Ảnh: Philippe Wojazer/Reuters).

“Ở đây, văn hóa thể thao và sự kết hợp với văn hóa uống rượu bia đã trở nên tự nhiên. Nó trở thành dấu hiệu hoặc quy tắc về nam tính có thể chấp nhận được, thể hiện rằng bạn là "đàn ông đích thực"”, Wenner nói.

Trong khi văn hóa thể thao và rượu chắc chắn có ảnh hưởng đến sự phát triển của bản sắc nam tính trong thế kỷ 20 và 21, những người ủng hộ lập luận rằng nhiều cơ hội để mọi người chơi thể thao sẽ không tồn tại nếu không có thu nhập từ việc tài trợ và bán rượu.

Bên cạnh đó, với sự phổ biến ngày càng tăng của những môn thể thao dành cho phụ nữ, các nhà quảng cáo tỏ ra miễn cưỡng phá vỡ mối liên kết có lợi và thay vào đó thích nghi khi đưa nhiều phụ nữ vào quảng cáo rượu hơn với tư cách là người tiêu dùng hơn là hàng hóa, vốn là đặc điểm nổi bật của lịch sử quảng cáo rượu.

“Giải Vô địch bóng đá nữ thế giới sẽ diễn ra ở New Zealand và Australia vào năm tới và ngành công nghiệp rượu đang tìm cách kiếm tiền từ đó. Thường thì đó không chỉ là bia nhắm vào phụ nữ, mà còn là rượu mạnh”, Giáo sư Jackson nói.

Giáo sư Catherine Palmer, thuộc Đại học Northumbria, nhận định văn hóa gắn rượu bia với thể thao tồn tại hàng thế kỷ sẽ không sớm kết thúc. Không có nguồn tài trợ thể thao thay thế nào được xác định, tài trợ rượu sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong các câu lạc bộ và giải đấu từ nhỏ đến lớn.

Nhưng văn hóa có thay đổi và mở rộng, đặc biệt nếu có động cơ lợi nhuận.

Khi cả thế giới rượu và thể thao tiếp tục thích nghi để tiếp cận các thị trường phi truyền thống, chúng ta có thể vẫn thấy động cơ lợi nhuận trong tính bao trùm và sự tách rời các yếu tố bạo lực và “độc hại” hơn của văn hóa.

Đó là điều đáng để nâng ly.

Từ khóa liên quan:
Loading...
TIN CŨ HƠN
Cánh máy bay dán băng keo khiến dân tình xôn xao, chuyên gia khẳng định

Cánh máy bay dán băng keo khiến dân tình xôn xao, chuyên gia khẳng định "rất an toàn"

Đoạn băng keo “nhỏ nhưng có võ" là trợ thủ đắc lực cho các kỹ thuật viên ngành hàng không.

Đăng ngày: 22/11/2022
Người phụ nữ có bàn chân lớn nhất thế giới

Người phụ nữ có bàn chân lớn nhất thế giới

Tanya Herbert, sống tại Houston (Mỹ), đã được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận là người phụ nữ sở hữu bàn chân lớn nhất thế giới hiện còn sống.

Đăng ngày: 21/11/2022
Thế giới sắp loại bỏ giây thứ 61 trên đồng hồ

Thế giới sắp loại bỏ giây thứ 61 trên đồng hồ

Một giây nhuận sẽ giúp đồng hồ trên toàn thế giới chạy khớp với tốc độ quay của Trái Đất nhưng cũng khiến hệ thống máy tính và phần mềm gặp lỗi.

Đăng ngày: 21/11/2022
Sự xuất hiện và ý nghĩa của linh vật chính thức tại World Cup 2022

Sự xuất hiện và ý nghĩa của linh vật chính thức tại World Cup 2022

Sau lễ khai mạc World Cup 2022 tại Qatar, linh vật La'eeb giành được cảm tình và thu hút nhiều bình luận thú vị của người xem.

Đăng ngày: 21/11/2022
Cuộc sống

Cuộc sống "cổ tích" trong lâu đài 900 tuổi nước Ý: Có 45 phòng, gia đình mất 2 tiếng để gặp nhau

Nơi đây cũng là một địa điểm du lịch phục vụ du khách tới tham quan và tìm hiểu lịch sử.

Đăng ngày: 21/11/2022
Bổ sung 4 tiền tố mới vào hệ đơn vị đo quốc tế

Bổ sung 4 tiền tố mới vào hệ đơn vị đo quốc tế

Các nhà khoa học quốc tế hôm 18/11 bổ sung 4 tiền tố số liệu mới để thể hiện các phép đo lớn nhất và nhỏ nhất trên thế giới.

Đăng ngày: 21/11/2022
Đây là loại bia duy nhất có thể bán tại World Cup 2022

Đây là loại bia duy nhất có thể bán tại World Cup 2022

Quyết định cấm bia có cồn tại 8 sân vận động đã gây khó khăn cho AB InBev, nhà tài trợ đã chi 75 triệu USD cho World Cup.

Đăng ngày: 21/11/2022
Tiêu điểm
Khoa Học News