Vệ tinh NASA giúp đo lượng khí thải CO2 của hơn 100 nước
Theo NASA, dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất đặc biệt hữu ích để theo dõi sự dao động của lượng CO2 khi lớp phủ bề mặt Trái đất (như cây cối, nước, nhựa đường…) thay đổi.
Vệ tinh Orbiting Carbon Observatory-2.
Một vệ tinh quan sát Trái đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã giúp các nhà nghiên cứu theo dõi lượng khí thải CO2 của hơn 100 nước trên thế giới.
Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại nhiều nước vừa được công bố mới đây.
Nghiên cứu do hơn 60 nhà khoa học tiến hành, sử dụng các kết quả đo lường của vệ tinh Orbiting Carbon Observatory-2 thuộc NASA, cũng như một mạng lưới quan sát bề mặt Trái đất, để định lượng mức tăng và giảm nồng độ CO2 trong bầu khí quyển từ năm 2015-2020.
Nghiên cứu cho thấy một khía cạnh mới khi theo dõi cả lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và tổng lượng carbon "dự trữ" thay đổi trong các hệ sinh thái như cây cối, bụi rậm và đất.
Theo NASA, dữ liệu này đặc biệt hữu ích để theo dõi sự dao động của lượng CO2 khi lớp phủ bề mặt Trái đất (như cây cối, nước, nhựa đường…) thay đổi.
Phát hiện trên chứng tỏ các công cụ được sử dụng trong không gian có thể giúp con người hiểu biết sâu hơn về Trái đất trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.
Giám đốc Bộ phận Khoa học Trái đất của NASA, bà Karen St. Germain nhấn mạnh NASA đang chú trọng cung cấp dữ liệu khoa học về Trái đất để giải quyết các thách thức khí hậu toàn cầu, chẳng hạn như việc giúp các chính phủ trên thế giới đánh giá hiệu quả của nỗ lực giảm khí thải carbon.