Vết ố cà phê: Hiện tượng vật lý thú vị
Vết ố cà phê dường như không có gì đặc biệt, nhưng trên thực tế lại là một hiện tượng vật lý thú vị. Các nhà khoa học Mỹ vừa có một phát hiện mới, thay đổi quan niệm của họ trước đây về sự hình thành những vết bẩn này.
Theo các nhà khoa học, các chất lỏng, như cà phê, được hình thành từ các hạt cà phê khô hình cầu, sẽ khác với chất lỏng từ các loại hạt có hình dáng thuôn dài hơn.
Vết ố cà phê.
Mỗi hạt cà phê, có kích thước khoảng một micromet lớn hơn khoảng 10.000 lần các phân tử cà phê. Khi một giọt cà phê rơi xuống và bắt đầu khô, chất lỏng chảy từ giữa ra ngoài để tạo thành một hình dạng nhất định, chứa chất rắn trong nó. Sau khi hoàn toàn bốc hơi, chất lỏng này tạo nên một quầng sáng đậm màu ở phần rìa vết bẩn trong khi phần giữa không có gì, nhìn tương tự như một chiếc nhẫn.
Các nhà nghiên cứu giả định rằng các hạt hình dáng thuôn hơn hình cầu sẽ có hoạt động tương tự. Vì vậy, họ đã hết sức ngạc nhiên khi phát hiện các hạt thuôn dài có xu hướng vón cục lại hơn so với các hạt hình cầu. Việc vón cục gây cản trở dòng chảy của chất lỏng từ giữa ra phần rìa, từ đó phân phối các chất rắn đồng đều hơn khi chất lỏng bốc hơi, nên để dấu vết không có dạng hình tròn với đường rìa đậm nét như vết ố cà phê.
Theo Peter Yunker, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Pennsylvania, chỉ cần thay đổi hình dạng của các hạt mà không thay đổi thành phần hóa học thì có thể tránh các vết ố và có thể thực hiện nhiều ứng dụng thực tế từ hiện tượng vật lý cơ bản này. Ví dụ, các nhà sản xuất sơn và mực in có thể ngăn chặn các sản phẩm của họ bị khô không đồng đều mà không cần thêm chất rắn hoá học.
Chi phí mực in thậm chí còn cao hơn rượu sâm banh đắt tiền, nên nếu chúng ta có thể giảm bớt lượng chất rắn hoá học trong mực in phun, chi phí sản xuất mực in sẽ giảm đi nhiều, ông Yunker cho biết.