Vi khuẩn Helicobacter pylori có thể là thủ phạm gây ra căn bệnh Parkinson
Các tế bào não có thể là nạn nhân của vi khuẩn Helicobacter pylori, loại vi khuẩn vốn được xác định là thủ phạm gây ra chứng bệnh loét và ung thư dạ dày ở người.
Vi khuẩn Helicobacter pylori, sống ở dạ dày của khoảng một nửa số lượng người trên thế giới, có thể là thủ phạm gây ra căn bệnh Parkinson, theo kết quả nghiên cứu được báo cáo tại cuộc họp của Hiệp hội Vi sinh vật học Hoa kỳ, diễn ra vào ngày 22 tháng 5 năm 2011.
Bệnh Parkinson xuất hiện do các tế bào não kiểm soát sự vận động của các cơ bắp bị thoái hóa dần. Những tế bào não này vốn sản sinh dopamin, một chất có vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu giữa các tế bào. Khi chúng thoái hóa, lượng dopamin sẽ giảm dần trong cơ thể người bệnh, dẫn đến các triệu chứng Parkinson: Đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Bệnh nhân Parkinson gặp khó khăn khi kiểm soát chuyển động của họ. Hàng năm, có khoảng 60.000 bệnh nhân Parkinson mới được chẩn đoán ở Hoa Kỳ.
Kính Hiển vi điện tử chụp hình của vi khuẩn Helicobacter pylori trên bề mặt của ruột bệnh nhân
Một số nghiên cứu trước đây đã cho rằng: bệnh nhân Parkinson có nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày nhiều hơn so với những người khoẻ mạnh, vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ, và có vẻ họ đã bị nhiễm Vi khuẩn Helicobacter pylori. Và giờ đây mối liên quan giữa vi khuẩnHelicobacter pylori và bệnh Parkinson rốt cuộc đã có những bằng chứng gián tiếp.
Hiện nay các nhà nghiên cứu đang thu thập những bằng chứng có thể trực tiếp về mối liên quan giữa vi khuẩnHelicobacter pylori và bệnh Parkinson.
Chuột trung niên trong phòng thí nghiệm bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây loét dạ dày, sau vài tháng nhiễm bệnh, ở chuột xuất hiện các triệu chứng bất thường của bệnh Parkinson, theo Traci Testerman, nhà vi trùng học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Y học Shreveport, trường Đại học bang Louisiana, Hoa Kỳ. Trong khi đó, chuột trẻ bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori lại không cho thấy dấu hiệu bất thường nào trong các vấn đề cử động. Michael Salvatore, nhà thần kinh học, và là đồng nghiệp của Testerman, nhận thấy rằng: Chuột thí nghiệm bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori bị suy giảm lượng dopamin, do các các tế bào não vốn sản sinh dopamin bị thoái hóa dần, và cuối cùng sẽ dẫn đến các triệu chứng của bệnh Parkinson.
Vi khuẩn chẳng cần phải còn sống để gây bệnh. Cho chuột thí nghiệm ăn vi khuẩn Helicobacter pylori đã bị giết chết, thì chuột cũng bị nhiễm bệnh Parkinson, chính vì thế, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân gây bệnh Parkinson là do một số thành phần hoá sinh của vi khuẩn.
Ứng cử viên gây bệnh Parkinson ở cấp độ phân tử được cho là các cholesterol bị biến đổi. Vi khuẩn Helicobacter pylori không thể tự tổng hợp lấy cholesterol, cho nên nó lấy cholesterol từ vật chủ rồi dán phân tử đường lên các cholesterol này. Cấu trúc cholesterol bị biến đổi cũng giống với độc tố từ cây mè nhiệt đới; người dân ở đảo Guam, Hoa kỳ, đã ăn hạt của loại cây và mắc bệnh mất trí nguy hiểm gọi ALS-parkinsonism. Testerman và đồng nghiệp đang xác định liệu chỉ có một mình cấu trúc cholesterol bị biến đổi có thể dẫn đến triệu chứng parkinson ở chuột hay là còn vài yếu tố khác từ vi khuẩn.
Dù như thế nào đi nữa thì các nhà khoa học nhận thấy rằng Vi khuẩn Helicobacter pylori đã gây ra hoặc đã góp phần tạo nên bệnh Parkinson, chưa chắc rằng việc tống khứ vi khuẩn này sẽ là điều tốt. Bởi vì, Vi khuẩn Helicobacter pylori gây ra bệnh loét và ung thư dạ dày, nhưng mặt khác, nó cũng giúp bảo vệ chống lại dị ứng, suyễn và ung thư thực quản và căn bệnh trào ngược axít. Thật khó để xác định chính xác làm thế nào và lúc nào Vi khuẩn Helicobacter pylori sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ cá nhân nào, theo Stanley Maloy, nhà vi trùng học làm việc tại Đại học bang San Diego, Hoa Kỳ. Nhưng rõ ràng là không thể bỏ qua mối liên quan giữa bệnh Parkinson và vi khuẩn Helicobacter pylori ở dạ dày.
"Có đủ dữ liệu vững chắc khẳng định rằng: chúng ta sẽ mắc phải sai lầm khi không nhìn nhận vai trò gây bệnh Parkinson của vi khuẩn Helicobacter pylori", Maloy nói.
[#RelatedNews(140)#]